.
CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT CẤP TỈNH TIỀN GIANG DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC NĂM 2022 - 2023:

Khơi niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh

Cập nhật: 11:07, 17/02/2023 (GMT+7)

Nhằm khuyến khích học sinh tham gia tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn; đồng thời, tạo ra một sân chơi hữu ích cho học sinh có cơ hội trải nghiệm, sáng tạo, giao lưu, trao đổi các kiến thức về khoa học với bạn bè, thầy cô, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang  vừa tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023.

CÁC ĐỀ TÀI MANG TÍNH THỰC TIỄN VÀ SÁNG TẠO

Theo Sở GD-ĐT, đây là năm thứ 10 ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Tham dự cuộc thi năm nay có 83 sản phẩm, với 116 thí sinh tham gia của 25/38 trường THPT và 10/11 Phòng GD-ĐT. Trong 14 lĩnh vực của cuộc thi, lĩnh vực hệ thống nhúng có số dự án tham gia đông nhất là 31, kế tiếp là lĩnh vực cơ khí với 13 dự án.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các đề tài năm nay mang tính thực tiễn và sáng tạo. Một số dự án có hàm lượng khoa học cao, có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung, poster trưng bày khoa học, đúng yêu cầu, nội dung dự án thiết thực và gần gũi với cuộc sống, có ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ môi trường và tận dụng phế thải.

Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm khoa học. Năng lực giao tiếp của học sinh khá tốt, tự tin hơn nhiều so với các cuộc thi trước. Đồng thời, các dự án tham gia thi năm nay thể hiện sự chuẩn bị bài bản, công phu, có chiều sâu và phong phú về các lĩnh vực; chất lượng các đề tài cũng được nâng lên; nhiều đề tài gần gũi thực tế, mang tính ứng dụng cao.

 Đề tài Ứng dụng công nghệ IMO vào sản xuất phân bón từ rác thải hữu cơ và phế phẩm trong nông nghiệp của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang.
Đề tài Ứng dụng công nghệ IMO vào sản xuất phân bón từ rác thải hữu cơ và phế phẩm trong nông nghiệp của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang.

Đơn cử, Đề tài Ứng dụng công nghệ IMO vào sản xuất phân bón từ rác thải hữu cơ và phế phẩm trong nông nghiệp của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang đã vận dụng hiệu quả các kiến thức trong lĩnh vực sinh học vào sản xuất và ứng dụng dung dịch vi sinh IMO theo công thức đơn giản để sản xuất phân bón ứng dụng trên cây thanh long ở Tiền Giang nhằm khắc phục tình trạng ngập úng.

Em Lê Quang Thịnh, học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho biết, điểm mới của đề tài là hướng phát triển sau này để sản xuất các loại trái cây an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh; bởi khả năng nhân bản vi sinh nhiều cấp, cân bằng độ PH sinh học của đất. Nếu đề tài được áp dụng trong thực tiễn sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho người trồng thanh long ở tỉnh Tiền Giang. 

THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI TRONG GIẢNG DẠY

Theo đánh giá, các sản phẩm dự thi có tính mới, tính sáng tạo; tính ứng dụng nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ và bổ ích, qua đó thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Đặc biệt là thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn đánh giá, các dự án đều gắn liền với thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt. Nhiều dự án được Ban Giám khảo đánh giá có ý tưởng khoa học hay, xuất phát từ thực tế đời sống và có khả năng ứng dụng hiệu quả.

Để cuộc thi thật sự có ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục, trong thời gian tới, các trường THPT và các đơn vị Phòng GD-ĐT cần khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, giáo viên đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.

“Đồng thời, các đơn vị giáo dục cần phát triển Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và trong cuộc sống” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn yêu cầu.

PHI LAM

.
.
.