Thứ Năm, 02/03/2023, 15:56 (GMT+7)
.

Hồn quê - Tác phẩm tranh xuất sắc làm từ bẹ chuối

Tranh làm từ bẹ chuối là ý tưởng sáng tạo độc đáo của Phan Tuấn Khang, Trường THPT Nguyễn Văn Côn (huyện Gò Công Đông). Sản phẩm vừa đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV (2021 - 2022) và cũng vừa đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc.

Với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường và biến phế phẩm trong nông nghiệp trở thành sản phẩm có giá trị, Khang nảy sinh ý tưởng sử dụng bẹ chuối để tạo hình một bức tranh về thiên nhiên, về làng quê Nam bộ.  

Nguyễn Tấn Khang tại Lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc.
Nguyễn Tấn Khang tại Lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc.

Để tạo ra tác phẩm, Khang sử dụng các chất liệu có sẵn, dễ tìm như: Bẹ chuối, ván ép, keo sữa, bông lúa; trong đó, bẹ chuối là chất liệu chính để tạo nên bức tranh. Đầu tiên, để triển khai ý tưởng, Khang hình dung ra bố cục bức tranh và dùng bút chì phác họa lên bề mặt tấm ván ép.

Sau khi hoàn chỉnh hình vẽ bố cục bức tranh, Khang sử dụng bẹ chuối đã phơi khô để cắt định hình và dán lên hình vẽ đã được phác họa. Để trang trí hoa, trái tượng trưng của một số cây ăn trái, Khang sử dụng hạt lúa đã phơi khô và sử dụng keo sữa để dán. Sau khi lắp ghép, tạo hình hoàn chỉnh, Khang phủ lên bề mặt bức tranh chất keo chống mốc, ẩm để giữ độ nét của màu sắc cũng như giúp cho tranh bảo quản được lâu.

Với bố cục hài hòa, các chi tiết được thực hiện công phu, tinh xảo, nội dung bức tranh đã tái hiện hình ảnh về làng quê Việt Nam với những nét đặc trưng của miền sông nước Nam bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những mái nhà tranh, dòng sông quê, con đò, vườn cây, ao cá, ruộng lúa… mang dấu ấn của một miền quê yên bình, thơ mộng.

Nguyễn Tấn Khang đang hoàn thiện tác phẩm.
Nguyễn Tấn Khang đang hoàn thiện tác phẩm.

Theo Khang, để tạo ra bức tranh, công đoạn lựa chọn và sơ chế nguyên liệu mất rất nhiều thời gian. Về bẹ chuối, có thể sử dụng bẹ khô hoặc bẹ tươi (phải mất thời gian phơi nắng cho bẹ thật khô), sau đó phân loại màu (viền bẹ thường có màu trắng, tiếp theo là màu vàng và giữa bẹ thường có màu nâu đen) và tiến hành cắt định hình, ghép lên hình vẽ đã được phác họa.

Để giúp công đoạn lắp ghép các chi tiết cũng như việc phối màu cho bức tranh được cân đối về bố cục, hài hòa về màu sắc, đỡ phải mất thời gian, công sức cho việc chỉnh sửa trong quá trình thực hiện, Khang thao tác lên bảng phụ trước, sau khi quan sát, tự kiểm tra hoặc nhờ giáo viên hướng dẫn góp ý, đến khi cảm thấy thật ưng ý mới thao tác lên bảng chính.

Thầy Nguyễn Quang Khải, giáo viên hướng dẫn Nguyễn Tấn Khang triển khai ý tưởng trên cho biết: “Tranh làm từ bẹ chuối” được xem là tác phẩm tranh đầu tiên được tạo ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Để tạo ra tác phẩm sắc sảo và có hồn như thế, đòi hỏi tác giả phải có trí tưởng tượng cao, óc thẩm mỹ, sự khéo léo, tỉ mỉ cộng một chút năng khiếu về hội họa. Về tính ứng dụng, tác phẩm này có thể được sử dụng làm đồ dùng dạy học, trưng bày tại các thư viện trường học kết hợp giới thiệu, triển lãm tại các khu du lịch sinh thái để quảng bá và bán cho du khách.

VĂN XĨ
 

.
.
.