.

Lượng phát thải CO2 cao kỷ lục trong hơn 100 năm

Cập nhật: 22:14, 04/03/2023 (GMT+7)

Báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm 2022 lên tới 36,8 tỷ tấn.

Luồng hơi bốc lên từ nhà máy nhiệt điện than Neurath gần Grevenbroich, Đức, ngày 2-11-2022. Ảnh: AP/Michael Probst
Luồng hơi bốc lên từ nhà máy nhiệt điện than Neurath gần Grevenbroich, Đức, ngày 2-11-2022. Ảnh: AP/Michael Probst

Năm 2022, thế giới thải ra nhiều CO2 hơn bất kỳ năm nào khác theo ghi nhận từ năm 1900. Đây là kết quả của việc vận tải hàng không phục hồi sau Covid-19 và nhiều thành phố chuyển sang sử dụng than đá như một nguồn năng lượng giá rẻ. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 2/3, lượng khí thải CO2 trong năm 2022 đạt mức 36,8 tỷ tấn, tăng 0,9% so với năm 2021.

CO2 thoát ra khi đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá hoặc khí tự nhiên để cung cấp năng lượng cho ôtô, máy bay, nhà cửa và nhà máy. Khi đi vào khí quyển, CO2 giữ nhiệt và góp phần khiến khí hậu ấm lên.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan góp phần làm tăng lượng khí thải CO2 năm ngoái. Hạn hán làm giảm lượng nước dùng cho thủy điện, khiến nhu cầu đốt nhiên liệu hóa thạch tăng. Bên cạnh đó, sóng nhiệt cũng làm tăng nhu cầu về điện.

Lượng khí thải CO2 từ than đá tăng 1,6% trong năm ngoái. IEA cho biết, nhiều nơi, chủ yếu ở châu Á, đã chuyển từ khí tự nhiên sang than đá để tránh giá khí tự nhiên tăng cao do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine. Khi lưu lượng hàng không toàn cầu tăng lên, lượng khí thải CO2 từ việc đốt dầu tăng 2,5%, khoảng một nửa mức tăng đến từ ngành hàng không.

Theo dữ liệu từ IEA, lượng khí thải toàn cầu trong hầu hết các năm kể từ năm 1900 đều tăng và tăng nhanh theo thời gian. Một ngoại lệ là năm đại dịch 2020, khi hoạt động du lịch bị đình trệ.

Mức phát thải năm ngoái cao kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn dự đoán của các chuyên gia. IEA cho biết, việc tăng cường triển khai năng lượng tái tạo, phương tiện chạy điện và máy bơm nhiệt đã giúp ngăn 550 triệu tấn CO2 thải thêm ra môi trường.

Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và sự tăng trưởng kinh tế chậm ở Trung Quốc cũng dẫn đến hạn chế sản xuất, góp phần hạn chế tổng lượng khí thải. Tại châu Âu, lần đầu tiên mức sản xuất điện gió và mặt trời vượt qua năng lượng từ khí hay hạt nhân. "Nếu không có năng lượng sạch, mức tăng phát thải CO2 sẽ cao gần gấp ba lần", Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu vẫn đánh giá rằng bản báo cáo hôm 2/3 gây nhiều lo ngại. Họ cảnh báo, các nhà sử dụng năng lượng trên khắp thế giới cần giảm mạnh lượng khí thải để làm chậm hậu quả của sự ấm lên toàn cầu.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.