Thứ Hai, 06/03/2023, 22:05 (GMT+7)
.

Nghiên cứu gene những con chó sống sót sau thảm họa Chernobyl

UkraineCác chuyên gia nghiên cứu ADN của chó sống sót 35 năm trong "vùng cấm" nhằm tìm hiểu tác động của phóng xạ và cách sinh tồn ở môi trường khắc nghiệt này.

Những con chó lang thang trong thị trấn ma Pripyat thuộc vùng cấm Chernobyl ở Ukraine. Ảnh: Dimitar Dilkoff/Agence France-Presse
Những con chó lang thang trong thị trấn ma Pripyat thuộc vùng cấm Chernobyl ở Ukraine. Ảnh: Dimitar Dilkoff/Agence France-Presse

Những con chó lang thang trong 'thị trấn ma' Pripyat thuộc "vùng cấm" Chernobyl, Ukraine. Ảnh: Dimitar Dilkoff/Agence France-Presse

Hơn 35 năm sau sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, những con chó tại Chernobyl vẫn lang thang giữa những tòa nhà hoang đổ nát, vẫn có thể tìm được thức ăn, sinh sản và sống sót. Các nhà khoa học hy vọng, việc nghiên cứu chúng có thể giúp con người hiểu thêm về cách sinh tồn trong những môi trường khắc nghiệt nhất.

Nghiên cứu trên tạp chí Science Advances hôm 3/3 tập trung vào 302 con chó hoang sống trong "vùng cấm" xung quanh khu vực thảm họa. Đây là nghiên cứu sâu đầu tiên về ADN của chúng. Theo đó, chúng khác biệt về mặt di truyền với những con chó thuần chủng và cả những con chó nhân giống tự do.

"Chúng tôi có cơ hội vàng để đặt nền tảng cho việc trả lời một câu hỏi trọng yếu: Làm thế nào để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy suốt 15 thế hệ?", nhà di truyền học Elaine Ostrander tại Viện Nghiên cứu Bộ gene Người Quốc gia Mỹ (NHGRI), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Những con chó cung cấp một phương thức tuyệt vời để xem xét tác động của dạng môi trường này đến động vật có vú nói chung, theo đồng tác giả nghiên cứu Tim Mousseau, giáo sư sinh học tại Đại học Nam Carolina.

Ngày 26/4/1986, vụ cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, khiến bụi phóng xạ phun ra khí quyển. 30 công nhân thiệt mạng ngay sau thảm họa, nhưng trong dài hạn, số người chết do nhiễm độc phóng xạ ước tính lên tới hàng nghìn. Nhóm chuyên gia cho biết, có vẻ hầu hết số chó mà họ đang nghiên cứu là hậu duệ của những vật nuôi mà cư dân phải bỏ lại khi sơ tán.

Mousseau làm việc ở khu vực Chernobyl từ cuối những năm 1990 và bắt đầu thu thập mẫu máu từ chó khoảng năm 2017. Một số con chó sống trong nhà máy điện. Số khác sống cách đó khoảng 15 - 45 km.

Lúc đầu, nhóm nghiên cứu cho rằng những con chó sống cùng nhau quá lâu nên có thể sẽ giống nhau. Nhưng qua ADN, họ dễ dàng xác định được những con chó sống ở khu vực có mức độ phơi nhiễm phóng xạ cao, thấp và trung bình. "Chúng tôi có thể so sánh chúng và nói xem có điều gì khác biệt, điều gì thay đổi, đột biến, tiến hóa, điều gì giúp ích và điều gì gây tổn hại ở cấp độ ADN", Ostrander nói.

Nhóm nhà khoa học cho biết, nghiên cứu mới mang tính ứng dụng rộng rãi, cung cấp hiểu biết sâu sắc về cách động vật và con người có thể sinh tồn ở những nơi khắc nghiệt trên thế giới và trong môi trường bức xạ cao ngoài không gian.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.