Thứ Năm, 02/03/2023, 07:35 (GMT+7)
.

Tài sản trí tuệ - nguồn lực mới cho sự phát triển

Thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT), tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ QUYỀN SHTT

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành triển khai thực hiện chính sách về thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình Phát triển TSTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đơn vị đã tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới, sáng tạo và SHTT như mở các lớp tập huấn về vai trò của SHTT trong sản xuất, kinh doanh, Hội thảo “Vai trò của SHTT đối với sự phát triển của các sản phẩm đặc sản tỉnh Tiền Giang”, tập huấn khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo cho các đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh.

Trao chứng nhận và đề xuất phương án phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công”.
Trao chứng nhận và đề xuất phương án phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công”.

Từ đó, người dân, doanh nghiệp nắm những kiến thức cơ bản về quy định pháp luật của nhãn hiệu; vai trò của nhãn hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu; quản lý và khai thác nhãn hiệu; các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT của tỉnh Tiền Giang, từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc đăng ký bảo hộ, giữ gìn và phát triển nhãn hiệu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hay nhãn hiệu cho các đặc sản của địa phương.

Đặc biệt, Sở KH&CN phối hợp với Cục SHTT (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài” nhằm cung cấp các thông tin về hệ thống, quy định pháp luật, quy trình, thủ tục, cách thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, địa phương khi tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền SHTT cho doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu để giúp nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về các quy định pháp luật liên quan đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành Sở KH&CN Lê Minh Đúng đánh giá, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, việc ban hành nhiều chính sách về Chương trình Phát triển TSTT đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của mỗi địa phương trong tỉnh Tiền Giang. Có thể nói, thông qua việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT cũng như xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, tỉnh Tiền Giang đã có thêm nhiều nhãn hiệu chứng nhận được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ như: Gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy...

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, hợp tác xã, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương được tập huấn các kiến thức cơ bản về SHTT phù hợp với từng nhóm đối tượng. “Bên cạnh đó, thông qua hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở trong và ngoài nước như đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu), đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới... đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hoạt động đăng ký bảo hộ TSTT của mình góp phần giữ gìn và phát triển TSTT nâng cao giá trị của sản phẩm, chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT” - đồng chí Lê Minh Đúng cho biết thêm.

NỖ LỰC THỰC HIỆN

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo hộ tài sản SHTT, nhưng ở mức độ hạn chế, đặc biệt là các đối tượng có giá trị lớn như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của sản phẩm gắn với OCOP chưa nhiều, do thời gian cấp bằng độc quyền dài hơn 2 năm cùng với khả năng bảo hộ không chắc chắn nên các tổ chức, cá nhân ngại thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ. Do đó, việc vận động, hướng dẫn các tổ chức, cơ sở tham gia OCOP đăng ký nhãn hiệu ít đạt kết quả (một số cơ sở không đồng ý đăng ký nhãn hiệu). Một số nhãn hiệu của sản phẩm OCOP bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP tuy có bước phát triển nhưng chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu. Công tác tuyên truyền dù luôn được quan tâm, đẩy mạnh, ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT của người dân và doanh nghiệp được cải thiện, tuy nhiên sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế. Do lợi ích vật chất, một số chủ thể kinh doanh vẫn có những hành vi xâm phạm quyền SHTT, người tiêu dùng vẫn tiêu thụ các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.

Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của SHTT với hoạt động của doanh nghiệp, chưa hiểu rõ được lợi ích và giá trị tài sản SHTT là một bộ phận cấu thành tài sản doanh nghiệp. Mặt khác, người dân, doanh nghiệp… thiếu thông tin về thị trường, thông tin về sở hữu công nghiệp nên các doanh nghiệp thường lúng túng khi đối mặt với các tình huống về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp dẫn đến tình trạng tài sản có giá trị bị người khác chiếm đoạt do không đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi cho biết, thời gian tới, đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tham mưu xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình Phát triển TSTT tỉnh Tiền Giang năm 2023. Trong đó, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền về Chiến lược SHTT và Chương trình Phát triển TSTT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT, hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội; tổ chức và tham gia các hoạt động kết nối, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

Đơn vị cũng xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản, đặc sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang; đẩy mạnh công tác hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan; quyền giống cây trồng nhằm khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Đặc biệt là hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT hình thành từ các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học các cấp; nâng cao hiệu quả thực hiện việc cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm có liên quan đến SHTT; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nông sản cũng như trao đổi học tập, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền SHTT; cán bộ, giảng viên và sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng; cán bộ trong các viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN.

Song song đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, chống hàng giả, gian lận thương mại, chống vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả… cũng như vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động SHTT.

TUẤN LÂM

.
.
.