.

Trái Đất ấm dần lên, tần suất các đợt hạn ngắn gia tăng

Cập nhật: 22:09, 14/04/2023 (GMT+7)

Hạn hán thường được coi là hiện tượng thiên tai kéo dài, nhưng trong một số trường hợp, hạn hán có thể xảy ra khá chóng vánh, chỉ trong vài tuần, khi xuất hiện các điều kiện đặc biệt.

Lòng sông khô cạn do hạn hán, tại Boretto, đông bắc Parma, Italy, ngày 15/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Lòng sông khô cạn do hạn hán, tại Boretto, đông bắc Parma, Italy, ngày 15/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Những đợt hạn ngắn diễn ra chóng vánh, với tốc độ khởi phát nhanh, bất ngờ và thường gây tác động tàn phá nghiêm trọng, đang trở nên thường xuyên hơn khi hoạt động của con người làm Trái Đất ấm lên.

Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 13/4.

Hạn hán thường được coi là hiện tượng thiên tai kéo dài, nhưng trong một số trường hợp, hạn hán có thể xảy ra khá chóng vánh, chỉ trong vài tuần, khi xuất hiện các điều kiện đặc biệt.

Sự ấm lên toàn cầu là một yếu tố làm tăng các điều kiện đặc biệt đó trên khắp thế giới, hình thành nên một số khu vực với lượng mưa giảm và lượng bốc hơi tăng, làm khô đất nhanh hơn.

Kết quả nghiên cứu trên được các nhà khoa học phân tích dựa trên dữ liệu vệ tinh kết hợp với chỉ số độ ẩm trên mặt đất trong khoảng thời gian hơn 60 năm (1951-2014).

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Xing Yuan, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh (Trung Quốc), cho biết cả hạn hán và hạn ngắn đều đang gia tăng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Nhưng hạn ngắn đang gia tăng nhanh hơn, nhất là ở châu Âu, Bắc Á và Đông Á, Sahel (dải đất phía Nam sa mạc Sahara) và bờ biển phía Tây của Nam Mỹ.

Ông Yuan cảnh báo sự khởi phát nhanh chóng của các đợt hạn ngắn khiến con người có ít thời gian để thích nghi, chẳng hạn như bố trí nguồn nước hoặc chuẩn bị đối phó với cháy rừng. Bên cạnh đó, thảm thực vật cũng không đủ thời gian để thích nghi.

Nhóm của nhà khoa học Yuan đã sử dụng mô hình khí hậu để dự báo hạn ngắn sẽ thay đổi như thế nào theo một số kịch bản về lượng phát thải khí nhà kính có thể xảy ra.

Kết quả cho thấy ngay cả khi lượng khí thải ở mức vừa phải, hạn ngắn sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn trên thực tế ở tất cả các khu vực. Trong các kịch bản về lượng phát thải cao hơn, xu hướng trên sẽ diễn ra mạnh hơn.

Nhà khoa học Yuan cũng cho biết dữ liệu phản ánh sự gia tăng tổng thể về tốc độ khởi phát hạn hán. Nhóm của ông phát hiện thấy “sự chuyển đổi mạnh mẽ ở quy mô toàn cầu” từ hạn hán thông thường sang hạn ngắn. Các nhà khoa học tin rằng việc giảm phát thải có thể làm chậm quá trình chuyển đổi này.

Khái niệm hạn ngắn xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 21 nhưng đã được chú ý nhiều hơn kể từ đợt hạn hán ở Mỹ vào mùa Hè năm 2012, gây thiệt hại kinh tế hơn 30 tỷ USD dù chỉ trong thời gian ngắn.

Bài bình luận của 2 giáo sư David Walker thuộc Đại học Wageningen và Anne Van Loon thuộc Đại học Vrije (Hà Lan), cũng đăng trên Tạp chí Science cho biết cảnh báo từ nghiên cứu trên “cần được xem xét nghiêm túc” vì mối đe dọa có thể còn lớn hơn những gì nghiên cứu đưa ra.

Hai giáo sư trên đều không tham gia nghiên cứu của nhà khoa học Yuan, nhấn mạnh đa số “các khu vực điểm nóng” được chỉ ra trong nghiên cứu đều là những khu vực đặc biệt có thu nhập thấp.

Những khu vực này thường có dân số dễ bị tổn thương hơn và nguồn tài chính thấp hơn cho các cơ chế ứng phó.

Bên cạnh đó, 2 vị giáo sư cũng cho biết các phương pháp hiện có để phát hiện hạn hán, thường là phân tích dữ liệu hàng tháng, phải được cập nhật với khoảng thời gian ngắn hơn, do hạn ngắn - hiện tượng có thể hình thành trong thời gian tính bằng tuần, đang gia tăng.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/trai-dat-am-dan-len-tan-suat-cac-dot-han-ngan-gia-tang/857149.vnp)

.
.
.