Đội ngũ trí thức Tiền Giang không ngừng lớn mạnh
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 27), đội ngũ trí thức tỉnh Tiền Giang không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI
Xác định ý nghĩa và vai trò của Nghị quyết 27, ngày 9-10-2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang ban hành Chương trình hành động 29 để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết 27. Ngày 19-7-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 1638 triển khai thực hiện Kết luận 52 ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH ở địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao tặng Khánh vàng vinh danh GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm (ngày 18-5-2022). |
Trong công tác triển khai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp hội), Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo tỉnh mở các lớp tập huấn Nghị quyết 27, Chương trình hành động 29 cho cán bộ các ngành đặc thù có nhiều trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn, nghệ sĩ trong tỉnh.
Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang cũng ban hành Chương trình hành động 06 ngày 18-4-2011 để triển khai thực hiện Chỉ thị 42 ngày 16-10-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Liên hiệp hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết 03 ngày 27-6-2011 về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Kế hoạch 36 ngày 10-1-2013 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020...
Tỉnh Tiền Giang hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng (có 1 trường do Trung ương quản lý), 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân… Tính từ năm 2015 đến nay, có 45.218 lượt CB, CC, VC được cử tham gia các lớp đào tạo,bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, bồi dưỡng chức danh, vị trí việc làm. |
Qua triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết 27, Chương trình hành động 29 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và có sự thống nhất, đồng thuận cao với các mục tiêu, giải pháp đề ra. Điều này góp phần thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ.
Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; xác định công tác xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ trí thức, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Căn cứ Nghị quyết 27, Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền luôn thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; các chế độ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; quan tâm bố trí cán bộ trẻ có năng lực, đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng, từng bước nâng cao vị trí, vai trò, tỷ lệ cán bộ trẻ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình, phù hợp với trình độ, năng lực, vị trí công tác, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy tài năng, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH.
Thời điểm triển khai (năm 2008), tỉnh Tiền Giang có 13 tiến sĩ, 334 thạc sĩ, 9.188 người có trình độ đại học và tương đương. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 76 tiến sĩ (1 tiến sĩ được phong hàm Giáo sư và 1 tiến sĩ được phong hàm Phó Giáo sư); 1.555 thạc sĩ, 15.831 người có trình độ đại học và tương đương. Giai đoạn 2009 - 2021, tỉnh triển khai thực hiện 136 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), tập trung theo nhóm lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, nông nghiệp, văn hóa - xã hội, giáo dục - y tế. Mỗi nhóm lĩnh vực hình thành các chương trình lớn, trọng điểm, giải quyết vấn đề trọng tâm theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, hằng năm, Liên hiệp hội còn phối hợp với Sở KH&CN, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành liên quan tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (Cuộc thi). Qua 14 lần tổ chức, Cuộc thi thu hút 2.332 mô hình, sản phẩm dự thi, có 565 sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh và 33 sản phẩm đoạt giải cấp quốc gia; Hội thi thu hút 636 giải pháp tham dự; trong đó, có 168 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh, 7 giải pháp đoạt giải toàn quốc (1 giải Ba, 6 giải Khuyến khích).
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao tặng Khánh vàng cho 4 tân tiến sĩ nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18-5-2019. |
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Tiền Giang luôn quan tâm thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Trong tuyển dụng công chức, viên chức có ưu tiên đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi; tạo môi trường công tác tốt để thu hút trí thức giỏi; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ; thực hiện chính sách khuyến khích, đãi ngộ cán bộ, công chức nhận công tác ở các xã khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiêp vụ, lý luận chính trị đảm bảo ngang tầm nhiệm vụ nhằm phát huy năng lực, hiệu quả công tác.
Hằng năm, tỉnh đều tổ chức họp mặt các giới, trí thức để thông tin tình hình kinh tế - xã hội, thông báo các chủ trương, kế hoạch thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, vinh danh, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và nghiên cứu khoa học.
Nhằm biểu dương, khen thưởng trí thức có công trình khoa học, đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, Liên hiệp hội phối hợp với Sở KH&CN, sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế và thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu “Trí thức KH&CN tiêu biểu”.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Tiền Giang có 3 trí thức được tôn vinh danh hiệu “Trí thức KH&CN tiêu biểu toàn quốc”, 99 trí thức được tôn vinh danh hiệu “Trí thức KH&CN tiêu biểu cấp tỉnh” và 76 tiến sĩ được vinh danh. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tốt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, góp phần nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; chất lượng giáo dục ở các bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học không ngừng được nâng lên.
HUỲNH VĂN XĨ