.

Người làm báo thích ứng với chuyển đổi số

Cập nhật: 09:10, 21/06/2023 (GMT+7)

Trong thời đại số hóa, ngành Báo chí đang phải đối mặt với những thách thức và cơ hội mới. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã thay đổi hoàn toàn cách mà thông tin được tạo ra, truyền tải và tiếp cận. Trong bối cảnh này, người làm báo phải thay đổi, thích ứng để tồn tại trong môi trường mới.

HỮU ÍCH TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Câu chuyện chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi báo chí truyền thống. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, vấn đề của báo chí số hay báo chí đa phương tiện không chỉ nằm ở công nghệ, mà cốt lõi nằm ở con người.

Chia sẻ ở nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trong lĩnh vực báo chí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ.

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, đối với những cơ quan báo chí, muốn chuyển đổi số là phải hướng tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi đến từ cấp cao nhất và cần hiểu biết rõ về dữ liệu. 2 yếu tố cốt lõi liên quan đến vấn đề con người trong chuyển đổi số nằm ở nhu cầu của công chúng và năng lực của nhà báo.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trước giờ xuất phát cùng Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 dịp Xuân Quý Mão 2023.                                  Ảnh: lÂM minh
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trước giờ xuất phát cùng Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 dịp Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: lÂM minh

Trong thời đại số hóa, ngành Báo chí không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của công nghệ và cuộc cách mạng số. Việc chuyển đổi số đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách làm việc của những người làm báo. Hiện nay, từ các báo, đài Trung ương đến địa phương đều thay đổi cách thông tin.

Để thích ứng với chuyển đổi số, thời gian qua, đội ngũ người làm báo nói chung và những người làm báo tại Tiền Giang nói riêng đã không ngừng học cách sử dụng công nghệ và các công cụ kỹ thuật số mới như: Sử dụng phần mềm biên tập, phần mềm thiết kế đồ họa và các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận độc giả và tạo ra nội dung hấp dẫn.

Phóng viên tác nghiệp trên tàu Trường Sa 10.
Phóng viên tác nghiệp.

Theo chia sẻ của nhiều phóng viên tại Tiền Giang, làm báo trong thời công nghệ số có nhiều lợi ích, điển hình như đã thay đổi cách phóng viên thu thập thông tin. Trước đây, việc thu thập thông tin đòi hỏi phóng viên phải dành nhiều thời gian để điều tra, gặp gỡ và phỏng vấn nguồn tin trực tiếp.

Nhưng với sự phát triển của công nghệ, phóng viên có thể sử dụng các công cụ trực tuyến như cơ sở dữ liệu, diễn đàn trực tuyến, trang tin tức và mạng xã hội để thu thập thông tin. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tin đa dạng và phong phú đề tài hơn.

Tuy nhiên, phóng viên cần có khả năng đánh giá và xác minh thông tin từ các nguồn trực tuyến để đảm bảo tính chính xác và tin cậy của thông tin thu thập được. Mặt khác, với việc chuyển đổi số, phóng viên có thể tạo ra nội dung đa phương tiện đa dạng hơn.

Thay vì chỉ viết bài báo văn bản truyền thống, phóng viên có thể sử dụng hình ảnh, video, âm thanh và đồ họa để truyền tải thông điệp một cách sinh động và hấp dẫn hơn.

Công nghệ đã cung cấp cho phóng viên nhiều công cụ để biến ý tưởng thành hiện thực, từ việc quay phim, chỉnh sửa video, tạo infographic đến thiết kế đồ họa. Điều này không chỉ làm tăng tính tương tác của nội dung, mà còn thu hút được sự quan tâm của độc giả đa dạng và khách quan hơn.

Ngoài ra, với sự phổ biến của Internet và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số, phóng viên có thể dễ dàng quảng bá và phân phối nội dung thông tin của mình trên mạng xã hội, blog cá nhân và các nền tảng truyền thông xã hội khác để đưa thông điệp của mình đến một lượng lớn độc giả tiềm năng.

Điều này mở ra cơ hội để nội dung thông tin của phóng viên được tiếp cận bởi một đối tượng rộng lớn, vượt ra khỏi giới hạn địa lý và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng trực tuyến.

TỪNG BƯỚC THÍCH ỨNG

Việc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho người làm báo nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Người làm báo cần thích ứng với tốc độ nhanh chóng của tin tức trực tuyến; phải làm việc trong môi trường số hóa phức tạp, nắm vững công nghệ và các công cụ truyền thông kỹ thuật số; thích nghi với áp lực cập nhật thông tin liên tục; phải có khả năng đánh giá thông tin, xác minh và đưa ra những bài viết chất lượng, chính xác, có giá trị cho độc giả.

Hơn nữa, người làm báo cần giữ vững nguyên tắc chuyên nghiệp và đạo đức trong việc sử dụng công nghệ và truyền thông trực tuyến.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19.
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19.

Phóng viên Thanh Triều (Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang) chia sẻ: Với đại bộ phận phóng viên vốn được đào tạo tác nghiệp bằng công cụ chủ yếu là máy quay, máy ghi âm, máy ảnh, quyển sổ và cây bút như tôi, việc phải thích nghi để trở thành một phóng viên công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng, với nhiều kỹ năng cùng một lúc là một cản trở không phải nhỏ.

Tuy nhiên, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, khi được cơ quan cử tham gia các lớp bồi dưỡng, bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhằm nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, xây dựng các tác phẩm báo chí đa phương tiện, hướng đến một phóng viên có thể vừa quay phim, chụp ảnh, viết, dựng video, thiết kế đồ họa…, nâng cao chất lượng mỗi bài viết, đa dạng các loại hình báo chí như: Báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, để đưa thông tin một cách nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Trí cho biết, nhiều năm nay, Thông tấn xã Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ kế hoạch và chương trình chuyển đổi số phục vụ tác nghiệp, thông tin như: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng nền tảng số; đào tạo, tập huấn cán bộ, phóng viên, biên tập viên về những nội dung liên quan chuyển đổi số.

Tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang, cán bộ và phóng viên tận dụng những nền tảng kỹ thuật chuyển đổi số phục vụ tác nghiệp, nâng cao chất lượng thông tin, đa dạng hóa các loại hình thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, đi đầu trong việc nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, góp phần thông tin, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Tiền Giang, những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trên kênh thông tin quốc gia.

Xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm, mang tính chiến lược, dài hơi, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tác nghiệp của phóng viên nói riêng, trong thời gian tới, đơn vị yêu cầu phóng viên, biên tập viên tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, nắm bắt khoa học công nghệ, làm chủ thiết bị, giúp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác và chất lượng đến độc giả.

Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, người làm báo cần luôn sẵn sàng để học hỏi, thích ứng và khám phá các cơ hội mới mà chuyển đổi số mang lại. Sự sáng tạo và linh hoạt trong việc sử dụng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng của ngành Báo chí trong thời đại kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao của độc giả.

THU HOÀI

.
.
.