Chủ Nhật, 09/07/2023, 15:07 (GMT+7)
.

Trung Quốc đắp chăn ngăn sông băng tan chảy

Một tấm chăn khổng lồ bao phủ một phần Dagu, sông băng dễ tiếp cận nhất của Trung Quốc, để làm chậm tốc độ tan chảy giữa tình hình ấm lên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Nam Kinh che phủ sông băng bằng chăn làm mát. Ảnh: SCMP
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Nam Kinh che phủ sông băng bằng chăn làm mát. Ảnh: SCMP

Ở sông băng Dagu thuộc vùng Tây Tạng, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, những tấm chăn màu trắng dày hiện nay che phủ khu vực rộng hơn 400 m2. Đỡ bằng cọc và neo bằng ván gỗ, loại chăn này là một màng phim mới phát triển làm mát bằng bức xạ, có thể giúp hãm bớt tốc độ tan chảy của sông băng Dagu, SCMP hôm 8/7 đưa tin.

"Vật liệu của chúng tôi nhẹ hơn về kết cấu, chống thấm nước, thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần", phó giáo sư Zhu Bin ở Đại học Nam Kinh, cho biết. "Chi phí cũng tương đương vải địa kỹ thuật truyền thống".

Zhu đứng đầu nhóm nghiên cứu của trường đại học hợp tác với Phòng thí nghiệm trung hòa carbon Tencent, thành lập năm 2021. Họ đang chạy đua với thời gian để làm chậm tốc độ tan chảy của sông băng. Ngập lụt từ hồ sông băng khi băng tan chảy đe dọa 15 triệu người trên thế giới, trong đó có 1 triệu người ở các vùng Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam phía tây Trung Quốc. Khoảng 8.000 sông băng tan chảy trong 50 năm qua do ấm lên toàn cầu, theo tính toán của Kang Shichang, giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Băng quyển ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Một nửa trong 215.000 sông băng trên Trái Đất có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100, gây nhiều hệ quả cho nguồn cung cấp nước ngọt và hệ sinh thái trên thế giới, ngay cả khi con người có thể hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science hồi tháng 1. Dù Trung Quốc cam kết giảm khí nhà kính để trung hòa carbon vào năm 2060, cơ quan khí tượng nước này tháng trước cảnh báo hiện tượng El Nino có thể mang tới thời tiết cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao kỷ lục ở Trung Quốc.

Bằng chứng ấm lên toàn cầu có ở khắp mọi nơi, ngay cả tại Dagu, sông băng nằm ở độ cao 4.860 m phía trên mực nước biển. Chỉ có 11 sông băng bao phủ 1,46 km2 ở Dagu, giảm mạnh từ 11 sông băng với diện tích 5,6 km2 năm 1971, theo phó cục trưởng Huang Shihai của Cục quản lý sông băng Dagu. Thể tích của sông băng nằm ở sông Hắc Thủy đã giảm hơn 70% trong hơn nửa thế kỷ.

Chăn phủ sông băng không phải ý tưởng mới. Các nhà khoa học Thụy Sĩ và Italy từng sử dụng vải địa kỹ thuật và vải dầu để che phủ sông băng trên dãy Alps khỏi ánh Mặt Trời trong gần hai thập kỷ. Kỹ thuật có thể làm độ tan chảy của tuyết và băng giảm trong khoảng 50 - 70%, Matthias Huss, giám đốc Mạng lưới theo dõi sông băng Thụy Sĩ, cho biết.

Vật liệu của Đại học Nam Kinh phản chiếu nhiều bức xạ và tản nhiều nhiệt hơn, theo Zhu. Trong thí nghiệm tiến hành năm 2021 ở sông băng số 1 trên dãy núi Thiên Sơn tại Tân Cương, Zhu che phủ 200 m2 tuyết bằng vật liệu mới. Kết quả công bố tháng 2 năm ngoái trên tạp chí Science Advances cho thấy độ tan chảy giảm 1,5 m trong hơn 50 ngày, tốt hơn 3 – 4 lần so với vật liệu thông thường.

Vật liệu sử dụng ở Dagu thậm chí còn tốt hơn do nâng cấp. Khi mùa hè ở Bắc bán cầu kết thúc vào tháng 9, nhóm của ông sẽ trở lại Dagu để dỡ chăn và đánh giá kết quả. Tuy nhiên, dù tiên tiến tới mấy, loại chăn này không thể rộng tới mức có thể cứu toàn bộ sông băng. Chi phí sẽ ở mức khổng lồ và hoàn toàn không kinh tế. Việc sử dụng chăn ở quy mô lớn cũng có thể phá hủy hệ sinh thái xung quanh. Vật liệu tốt nhất nên được dùng để bảo tồn băng ở địa điểm đặc biệt. Cắt giảm phát thải khí nhà kính vẫn là cách hiệu quả hơn nhiều để bảo tồn sông băng.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.