Thứ Ba, 01/08/2023, 22:03 (GMT+7)
.

Biến đổi gene thành công để tạo ra ruồi giấm có khả năng trinh sản

Ngày 28-7, trường Đại học Cambridge (Anh) cho biết các nhà khoa học thuộc trường này đã biến đổi thành công gene của ruồi giấm cái, theo đó loài vật này có thể sinh con mà không cần giao phối.

Ảnh minh họa Nguồn: AFP
Ảnh minh họa Nguồn: AFP

Trinh sản, hay còn gọi là trinh sinh, là một hình thức sinh sản đơn tính, trong đó trứng không cần thụ tinh mà vẫn có thể phát triển thành cá thể mới.

Hiện tượng này khá phổ biến trong các loài sinh vật như thực vật, côn trùng, cá, bò sát và thậm chí cả chim, ngoại trừ động vật có vú - vốn cần một số gene nhất định có trong tinh trùng để sinh sản.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology ngày 28-7, trường Đại học Cambridge (Anh) cho biết các nhà khoa học thuộc trường này cùng các cộng sự người Mỹ đã biến đổi thành công gene của ruồi giấm cái, theo đó loài vật này có thể sinh con mà không cần ruồi giấm đực.

Đáng chú ý, khả năng trinh sản này có thể được truyền qua nhiều thế hệ. Cụ thể, những con ruồi giấm con được ra đời theo hình thức này cũng có thể sinh con mà không cần giao phối.

Báo cáo nêu rõ: “Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra khả năng trinh sản ở một loài động vật thường sinh sản hữu tính: ruồi giấm Drosophila melanogaster.”

Theo bà Alexis Sperling - tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết bà muốn nghiên cứu về trinh sản kể từ khi con bọ ngựa mà bà nuôi sinh con theo hình thức này.

Để tìm hiểu yếu tố di truyền của khả năng trinh sản, bà và một số nhà nghiên cứu ở Mỹ đã quyết định thử nghiệm trên ruồi giấm Drosophila melanogaster - một trong những loài động vật thường được sử dụng trong các nghiên cứu về di truyền.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu giải trình tự bộ gene của hai chủng ruồi giấm khác thuộc dòng Drosophila mercatorum. Trong đó, một chủng chỉ sinh sản thông qua trinh sản, còn chủng kia cần có  ruồi đực để thụ tinh.

Sau đó, họ đã so sánh kết quả, nhằm xác định chính xác các gene có trong ruồi con ra đời theo hình thức trinh sản. Tiếp đến, các nhà khoa học so sánh với gene của ruồi giấm Drosophila melanogaster để xác định các yếu tố trùng khớp.

Nghiên cứu này được tiến hành trong 6 năm và thực hiện đối với 220.000 con ruồi giấm. Những con ruồi biến đổi gene vẫn có thể sinh sản hữu tính nếu chúng tiếp cận ruồi đực. Tuy nhiên, trong môi trường không có ruồi đực, 1-2% số ruồi giấm cái biến đổi gene sẽ trải qua quá trình sinh con đơn tính và con của chúng 100% là ruồi giấm cái.

Đánh giá về bước tiến khoa học mới này, ông Herman Wijnen - một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Southampton (Anh) cho rằng: "Đây là một nghiên cứu thú vị vì cho thấy quá trình sinh sản đơn tính có thể tiến hóa ra sao ở một loài sinh sản hữu tính và đây có thể coi như một chiến lược dự phòng cho những động vật cái không thể tìm được bạn tình."

Hồi tháng trước, một con cá sấu cái tại vườn thú ở Costa Rica cũng đã đẻ một quả trứng chứa bào thai hình thành đầy đủ. Đây được ghi nhận là ca trinh sản đầu tiên ở loài bò sát này.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/bien-doi-gene-thanh-cong-de-tao-ra-ruoi-giam-co-kha-nang-trinh-san/886047.vnp)

.
.
.