Ngành Bảo hiểm xã hội Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số
Kết quả của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Bằng cách áp dụng công nghệ thông tin và số hóa quy trình, ngành BHXH đã có những bước tiến mới, tăng cường khả năng phục vụ người dân và cải thiện quản lý.
ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thực hiện Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Kế hoạch 370 ngày 8-12-2021 về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 112 ngày 31-3-2023 về Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2023; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…
Theo đó, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, lãnh đạo tỉnh, BHXH tỉnh Tiền Giang đã
Nhân viên BHXH tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số. |
ban hành nhiều kế hoạch, quán triệt nội dung các chủ trương, văn bản, kế hoạch của trung ương, tỉnh về chuyển đổi số đối với lĩnh vực BHXH đến toàn ngành BHXH tỉnh để triển khai thực hiện.
Cụ thể, BHXH tỉnh đã tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, trên Fanpage và Zalo của BHXH tỉnh để người dân biết và thực hiện gia hạn thẻ BHYT. Đồng thời, triển khai thực hiện dịch vụ công (DVC) liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí. Tất cả các viên chức phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện số hóa tất cả hồ sơ tiếp nhận phục vụ tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, đến nay BHXH tỉnh đã số hóa 131.582 hồ sơ.
Phối hợp với Sở Y tế triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Kết quả 214/214 cơ sở KCB đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 100% với số lượng đã tra cứu 2.121.398 trường hợp; trong đó tra cứu thành công là 1.470.304 trường hợp. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp Sở Y tế triển khai liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử điện tử đến các cơ sở KCB. Qua triển khai, đã có 20 cơ sở KCB đã thực hiện liên thông với 11.827 Giấy khám sức khỏe lái xe, 4.762 Giấy chứng sinh và 54 Giấy báo tử.
Cài đặt ứng dụng VssID tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. |
Cùng với đó, thường xuyên tiến hành trích lọc dữ liệu quản lý, cập nhật số định danh cá nhân (ĐDCN), hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) đảm bảo “đúng - đủ - sạch - sống”, góp phần hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, BHXH tỉnh đã cập nhật 1.506.701/1.551.673 số ĐDCN/CCCD trên dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý, trong đó đã xác thực với CSDL quốc gia về dân cư là 1.495.409/1.551.673 số ĐDCN/CCCD đạt tỷ lệ 96%, chưa xác thực là 56.264 số ĐDCN/CCCD do sai thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh hoặc chưa có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Đối với việc triển khai việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 391.245 lượt đăng ký tài khoản, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID đạt tỷ lệ 92% chỉ tiêu giao năm 2023. Đồng thời, triển khai cài đặt ứng dụng VneID và định danh điện tử mức 2, tính đến nay, 100% công chức, viên chức và người lao động của BHXH Tiền Giang đã cài đặt ứng dụng VNeID và đã đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 của BHXH Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm của BHXH Việt Nam trong thực hiện Đề án 06 và đạt nhiều kết quả nổi bật. Với các dịch vụ công trực tuyến đã được phân công thông qua ngành BHXH triển khai thực hiện, góp phần vào văn minh của xã hội, phát triển kinh tế - văn hóa và phòng, chống tội phạm. Những thủ tục, giấy tờ về bảo hiểm, KCB không phải làm thủ công sẽ tiết kiệm được giấy tờ, thời gian, tiền bạc, đi lại cho người dân. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận các đề xuất thiết thực của BHXH các tỉnh, thành và sẽ tham mưu phân công thực hiện trong thời gian tới, nhất là những dữ liệu chưa hoàn thành, cần phối hợp để giải quyết sớm. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc mong các bộ, ngành liên quan, địa phương cùng chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thực hiện thành công Đề án 06 để người dân được hưởng nhiều hơn các DVC… |
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Võ Oanh Liệt cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, BHXH tỉnh đã tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, kết quả đã vận động được 44.836/52.764 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng qua thẻ ATM, chiếm 84,97% tổng số người hưởng.
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã tập huấn và hướng dẫn về các thủ tục, thao tác trên phần mềm hỗ trợ kê khai để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử cho 100% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn trong tất cả các lĩnh vực như thu, cấp sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.722 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 3.320 đơn vị đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử. Đối với đơn vị đủ điều kiện giao dịch điện tử toàn tỉnh có 3.316/3.320 đơn vị, đạt 99,88% (trong đó khối doanh nghiệp đạt 99,8% (2.100/2.104 doanh nghiệp).
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN
Theo đánh giá của ngành BHXH tỉnh, thời gian qua, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong mọi hoạt động của ngành BHXH, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Tuy nhiên, việc người dân thực hiện DVC gia hạn thẻ BHYT có giảm trừ còn gặp nhiều khó khăn cho khu vực nông thôn, như: Không có đường truyền, máy tính hoặc các thiết bị di động và trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế. Ngoài ra, người dân phải nhập đầy đủ, chính xác các thành viên trong hộ để xác thực với CSDL quốc gia về dân cư nên còn khó khăn.
Nhân viên y tế tiếp nhận người bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp. |
Quy trình giải quyết hưởng BHXH 1 lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trên thiết bị di động theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DVC trực tuyến tích hợp còn khó khăn do chưa được tích hợp ký số trên thiết bị di động, nên người lao động chưa thể ký số trên hồ sơ. Ngoài ra, một số cơ sở KCB BHYT chưa trang bị đầu đọc QR Code đúng tiêu chuẩn nên không đọc được CCCD/ĐDCN của người tham gia, vẫn phải yêu cầu sử dụng thẻ BHYT để KCB, từ đó gây khó khăn trong công tác tuyên truyền...
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, trước những khó khăn trên, BHXH tỉnh đang nỗ lực khắc phục. Đối với tỉnh, BHXH tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin; tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan tích hợp chữ ký số trên thiết bị di động cho người dân, phục vụ cho việc thực hiện 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh kiến nghị Sở Y tế trang bị đầu đọc mã QR trên CCCD cho các cơ sở KCB tạo thuận lợi trong tiếp nhận bệnh BHYT. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở KCB không yêu cầu người bệnh photo thẻ BHYT khi đã tiếp nhận bệnh bằng CCCD gắn chíp.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương như: Đào tạo viên chức phụ trách công nghệ thông tin về chuyển đổi số, an toàn thông tin; việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc học trong công tác tiếp nhận hồ sơ tại BHXH tỉnh và BHXH cách huyện, thị xã; vấn đề tích hợp nhiều DVC trên ứng dụng VssID, tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch điện tử với cơ quan BHXH… BHXH tỉnh đã có kiến nghị cụ thể về BHXH Việt Nam để sớm được tháo gỡ nhằm triển khai thực hiện chuyển đổi số cũng như Đề án 06 của BHXH Tiền Giang hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
THU HOÀI