Thứ Năm, 31/08/2023, 09:59 (GMT+7)
.

Robot Ấn Độ phát hiện nhiều nguyên tố ở cực nam Mặt Trăng

Robot tự hành xác nhận sự tồn tại của lưu huỳnh và nhiều nguyên tố khác gần cực nam Mặt Trăng trong lúc tìm kiếm băng nước gần một tuần sau cú hạ cánh lịch sử.

Robot Pragyaan chỉ nặng tương đương một con chó chăn cừu. Ảnh: ISRO
Robot Pragyaan chỉ nặng tương đương một con chó chăn cừu. Ảnh: ISRO

Ngoài lưu huỳnh, thiết bị quang phổ laser của robot tự hành Pragyaan còn tìm thấy nhôm, sắt, canxi, chrom, titan, mangan, oxy và silicon trên bề mặt Mặt Trăng, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo hôm 29-8. Pragyaan lăn bánh xuống khỏi cầu dẫn trên trạm đổ bộ Vikram trong nhiệm vụ Chandrayan-3 sau khi hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng hôm 23-8. Theo dự kiến, robot sẽ tiến hành thí nghiệm trong 14 ngày. Phát hiện mới là quan sát khoa học đầu tiên của nó trong hành trình khám phá cực nam.

Hôm 28-8, lộ trình của robot tự hành được lập trình lại khi nó tới gần miệng hố rộng 4 m. Nhờ đó, nó có thể di chuyển an toàn. Phương tiện lăn bánh ở tốc độ khoảng 10 cm/giây để giảm tối đa chấn động và hư hại do bề mặt gồ ghề của Mặt Trăng.

Pragyaan nặng 25,9 kg, tương đương một con chó chăn cừu Đức nhỏ. Robot đang di chuyển ở nơi chưa có robot hoặc phi hành gia nào từng đặt chân đến trước đây. Quan sát khoa học của Pragyaan có ý nghĩa thiết yếu đối với tìm hiểu cách khai thác nước Mặt Trăng, mục tiêu mà nhiều quốc gia đang hướng đến. Robot trang bị máy laser và chùm hạt alpha giúp nghiên cứu thành phần đất ở cực nam Mặt Trăng. Nơi đây được cho là khu vực nhiều nước nhất trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Băng nước có thể khai thác để sản xuất oxy hít thở cho căn cứ Mặt Trăng có người ở trong tương lai, cũng như hydro và oxy dùng làm nhiên liệu tên lửa đẩy tàu vũ trụ bay tới sao Hỏa và các địa điểm trong không gian sâu.

Robot tự hành cũng sẽ sử dụng thiết bị RAMBHA và ILSA để nghiên cứu khí quyển Mặt Trăng và đào mẫu vật giúp phân tích thêm cấu tạo bề mặt, theo Times of India. Tuy nhiên, thiết bị Quang phổ phân tách bằng laser (LIBS) của nó tiến hành phép đo đầu tiên về thành phần đất ở cực nam. Laser bắn những xung mạnh lên bề mặt Mặt Trăng, tạo ra plasma cực nóng. Mỗi nguyên tố trong bảng tuần hoàn phát ra một chuỗi bước sóng ánh sáng độc nhất. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu ánh sáng từ plasma để nhận dạng các bộ bước sóng và xác định thành phần hóa học trong đất.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.