Thứ Năm, 17/08/2023, 21:01 (GMT+7)
.

​Thận lợn hoạt động bình thường sau hơn 1 tháng ghép vào cơ thể người

Thử nghiệm cho thấy thận lợn qua điều chỉnh 1 gene và không có thiết bị hay thuốc thử nghiệm đi kèm có thể đảm nhận chức năng của thận người trong ít nhất 32 ngày mà không bị đào thải.

Bác sỹ Robert Montgomery chuẩn bị ghép thận lợn cho một người đàn ông bị chết não. Nguồn: AP
Bác sỹ Robert Montgomery chuẩn bị ghép thận lợn cho một người đàn ông bị chết não. Nguồn: AP

Một quả thận lợn được chỉnh sửa gene vẫn hoạt động bình thường sau 32 ngày kể từ khi được cấy vào cơ thể một bệnh nhân chết não, đánh dấu kỷ lục thời gian hoạt động của tạng động vật ghép trong cơ thể người.

Đây là một phần quy trình thử nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu đang ngày càng phát triển nhằm cải thiện hiệu quả ghép tạng giữa các loài, như một giải pháp giúp giảm thời gian chờ đợi cho các bệnh nhân cần tạng.

Hiện có hơn 103.000 người chờ ghép tạng ở Mỹ, trong đó có 88.000 người cần thận.

Theo Giám đốc Viện ghép tạng NYU Langone, bác sỹ phẫu thuật Robert Montgomery, thử nghiệm lần này cho thấy thận lợn qua điều chỉnh 1 gene và không có thiết bị hay thuốc thử nghiệm đi kèm có thể đảm nhận chức năng của thận người trong ít nhất 32 ngày mà không bị đào thải.

Bác sỹ Montgomery đã thực hiện ca cấy ghép thận lợn được điều chỉnh gene vào cơ thể người đầu tiên vào tháng 9-2021, tiếp đó là vào tháng 11-2021. Từ đó đến nay, có nhiều ca phẫu thuật ghép tạng tương tự đã được thực hiện.

Trong khi những ca phẫu thuật ghép tạng tương tự sử dụng những quả thận được chỉnh sửa nhiều gene thì trong nghiên cứu mới nhất chỉ có 1 gene được chỉnh sửa là gene tham gia quá trình thải tạng siêu cấp tính.

Nếu không can thiệp gene này, có khả năng tạng động vật sẽ bị thải loại chỉ vài phút sau khi được kết nối với hệ tuần hoàn của cơ thể người. Nhờ kỹ thuật chỉnh sửa loại bỏ gene này, nhóm nghiên cứu từ NYU Langone đã có thể ngăn chặn quá trình thải loại siêu cấp tính này.

Theo bác sỹ Montgomery, nhóm nghiên cứu hiện đã thu thập thêm được nhiều chứng cứ cho thấy, ít nhất là với các trường hợp ghep thận, chỉ cần loại bỏ gene kích hoạt quá trình thải loại siêu cấp tính cùng với việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đã được cấp phép lâm sàng, sẽ đủ để duy trì thành công tạng ghép thực hiện chức năng cần có trong cơ thể người trong thời gian đủ lâu.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng can thiệp tuyến ức lợn - phụ trách "huấn luyện" hệ miễn dịch - ở lớp ngoài của thận, để ngăm chặn nguy cơ tạng bị thải loại ở giai đoạn sau cấp tính.

Cả 2 quả thận của bệnh nhân đều đã được phẫu thuật tách khỏi cơ thể trước khi quả thận lợn được cấy ghép. Kết quả, thận lợn lập tức sản xuất urine.

Quá trình theo dõi cho thấy nồng độ creatinine, một chất thải từ cơ thể, ở mức thông thường, không có dấu hiệu đào thải tạng.

Một tín hiệu quan trọng là không phát hiện porcine cytomegalovirus - virus gây bệnh viêm mũi ở lợn, có thể gây hỏng tạng. Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục theo dõi hoạt động của thận ghép thêm 1 tháng.

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ thể bệnh nhân nam, 57 tuổi, bị chết não. Gia đình của bệnh nhân đồng ý hiến cơ thể ông để phục vụ các nghiên cứu khoa học.

Hồi tháng 1-2022, các bác sỹ phẫu thuật tại Đại học Y khoa Maryland đã thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tạng lợn đầu tiên cho bệnh nhân sống.

Hai tháng sau, bệnh nhân qua đời với nguyên nhân được cho là do nhiễm porcine cytomegalovirus trong tạng ghép.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/than-lon-hoat-dong-binh-thuong-sau-hon-1-thang-ghep-vao-co-the-nguoi/889643.vnp)

.
.
.