Năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử
Nhiệt độ bề mặt biển trung bình trên toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, trong khi nhiệt độ không khí trên đất liền trung bình trên toàn cầu cũng tăng lên mức cao thứ 2 trong tháng 6.
Nắng nóng gay gắt tại bang New South Wales, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc dự báo năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, trong khi năm 2024 có thể sẽ còn nóng hơn.
Nghiên cứu trên do các nhà khoa học từ Trường Khoa học Khí quyển của Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) tiến hành và được công bố ngày 19/9 trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.
Thông qua việc phân tích Bộ dữ liệu Nhiệt độ Bề mặt Toàn cầu của Trung Quốc 2.0 (CMST 2.0), nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng năm 2023 đã trải qua nửa đầu năm nóng nhất kể từ khi số liệu được ghi chép.
Nhiệt độ bề mặt biển trung bình trên toàn cầu (SSTs) tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Tư, trong khi nhiệt độ không khí trên đất liền trung bình trên toàn cầu cũng tăng lên mức cao thứ 2 trong tháng Sáu.
Sự kết hợp này khiến cho tháng Năm thành tháng nóng nhất trong lịch sử về nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn cầu.
Nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023, do các nhân tố gồm El Nino và cháy rừng lan rộng. Cả SSTs trung bình trên toàn cầu và nhiệt độ đất liền trung bình trên toàn cầu đều đạt mức cao chưa từng có vào tháng Bảy.
Các nhà nghiên cứu dự báo năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, trong khi năm 2024 có thể ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu còn cao hơn, dựa trên hướng dòng chảy và các kết quả dự báo ngắn hạn của El Nino, quá trình tăng giảm nhiệt độ bề mặt biển theo chu kỳ tại Đại Tây Dương (còn gọi là Dao động đa thập kỷ Đại Tây dương - AMO) - vốn ảnh hưởng mạnh đến nhiệt độ bề mặt toàn cầu.
Nghiên cứu chỉ ra do quá trình toàn cầu ấm lên tăng tốc, khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ gia tăng, vì thế kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp.
Tác giả Li Qiangxang, giáo sư tại Đại học Trung Sơn, nhấn mạnh do nhiệt độ toàn cầu tiếp tục phá vỡ kỷ lục, rõ ràng cần có nỗ lực ngay lập tức và liên tục để giảm thiểu tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Bộ dữ liệu CMST 2.0, do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Li xây dựng, đã tích hợp dữ liệu nhiệt độ không khí trên đất liền toàn cầu, cung cấp tài nguyên cho các nhà khoa học khí hậu và các nhà hoạch định chính sách.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/nam-2023-co-the-tro-thanh-nam-nong-nhat-trong-lich-su/895315.vnp)