.

Tại sao loài chim luôn bay về phương Nam vào mùa Đông?

Cập nhật: 21:42, 24/01/2024 (GMT+7)

Di cư là một phần không thể thiếu trong vòng đời của loài chim. Nhưng liệu có phải chúng luôn bay về phương Nam trong mùa Đông để tránh rét hay còn có nguyên do nào khác?

Hiện có ít nhất 4.000 loài chim di cư trên thế giới. Ảnh: Gulo in Nature
Hiện có ít nhất 4.000 loài chim di cư trên thế giới. Ảnh: Gulo in Nature

Khi mùa Đông bắt đầu, cảnh tượng những đàn chim bay ngang bầu trời theo hình chữ “V” luôn là những hình ảnh mê hoặc đáng chiêm ngưỡng. Đây là một bức tranh cổ điển về tập tính di cư của loài lông vũ biết bay mỗi khi giá lạnh tràn về.

Tuy nhiên, không giống như những gì chúng ta biết trước đây rằng loài chim di cư về phương Nam để tránh rét trong mùa Đông, mà thực tế là bản năng thúc đẩy chúng bay đến những nơi có nguồn thức ăn dồi dào hơn.

Audubon, Tổ chức chuyên về bảo tồn chim, cho biết trên thế giới hiện có ít nhất 4.000 loài chim di cư, chiếm khoảng 40% tổng số các loài chim đang sinh sống trên Trái đất. Bắc bán cầu có số lượng loài chim di cư đa dạng nhất.

Từ cách đây ít nhất 3.000 năm, loài người đã ghi nhận tập tính di cư từ phương Bắc về phương Nam của nhiều loài chim, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết về hành vi thú vị này.

Tại sao chim di cư vào mùa Đông?

Thực tế có rất nhiều loài chim dư cư có khả năng chịu lạnh rất tốt. Chẳng hạn như loài nhạn Bắc Cực thường di cư đến Nam Cực – khu vực mà mức độ giá rét cũng ngang bằng, thậm chí còn hơn cả vùng Bắc Cực.

Chim là loài máu nóng giống như con người, chúng có nhiệt độ cơ thể khoảng 40 độ C và sử dụng các cơ chế điều tiết để duy trì nhiệt độ ổn định trong môi trường lạnh giá.

Chúng giữ ấm bằng cách run rẩy, xù lông, rúc mỏ vào cánh, co chân và nép sát vào nhau để chia sẻ nhiệt độ.

Tuy có khả năng chịu lạnh, nhưng loài lông vũ cũng giống như các động vật khác không thể chịu được đói. Mùa Đông khắc nghiệt khiến nguồn thức ăn ở Bắc bán cầu suy giảm.

Loài chim cần rất nhiều năng lượng để giữ ấm nhưng thức ăn chính của chúng là quả mọng, sâu bọ, côn trùng, các loài động vật không xương sống, đều gần như không thể tồn tại trong mùa Đông ở đây.

Trong khi đó, phía Nam bán cầu lại là mùa Hè ấm ấp, thức ăn dồi dào. Đó chính là sức hút để loài chim luôn bay về vùng nhiệt đới khi mùa Đông tới, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, để được tận hưởng nguồn thức ăn phong phú.

Chim di cư xác định phương hướng như thế nào?

Có hai kỹ năng mà tất cả các loài chim di cư đều phải có đó là định hướng và điều hướng. Định hướng là khả năng xác định hướng đang đi. Loài chim không có la bàn hoặc thiết bị GPS, nhưng chúng có thể tự định hướng bằng cách quan sát vị trí của Mặt trời vào ban ngày và các vì sao vào ban đêm.

Một số loài chim như bồ câu có thể tự định hướng nhờ vào từ trường của Trái đất.

Chim chích đen ( Setophaga striata ) được biết đến với khả năng di cư đáng kinh ngạc. Chúng thường bay không ngừng nghỉ bănn qua Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Ảnh: Gulo in Nature
Chim chích đen ( Setophaga striata ) được biết đến với khả năng di cư đáng kinh ngạc. Chúng thường bay không ngừng nghỉ bănn qua Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Ảnh: Gulo in Nature

Các nghiên cứu cho rằng loài chim tận dụng các yếu tố tự nhiên như sông, núi, rừng và cả những con đường cao tốc, là những điểm mốc quan trọng trên lộ trình di cư.

Ngoài ra, các mùi khác nhau xung quanh chúng cũng cung cấp tín hiệu khứu giác để chúng đi theo các tuyến đường di cư trong một số trường hợp.

Một số loài chim khác thì tìm đường di trú bằng cách theo dõi những chú chim già hơn đã từng thực hiện các chuyến đi đó.

Các loài chim bay cao như diều hâu và bồ nông hầu hết đều bay trong ngày để tận dụng các luồng gia nhiệt. Còn các loài chim nhỏ hơn chủ yếu bay vào ban đêm vì gió tương đối ổn định, giúp tiết kiệm năng lượng và ít những kẻ săn mồi hơn.

Vì sao chim không định cư luôn ở phương Nam?

Nhưng một khi đã đến vùng có khí hậu ấm áp và nhiều thức ăn, tại sao những con chim không ở lại định cư luôn mà vẫn quay trở lại Bắc bán cầu vào mùa Hè, trong khi quá trình di chuyển qua lại này mất rất nhiều năng lượng và đối mặt với nhiều rủi ro?

Các nhà khoa học đã lý giải điều này, đó là mặc dù phía cực Nam có nguồn thức ăn dồi dào nhưng đây không phải là thiên đường. Mối đe dọa từ động vật ăn thịt ở đây lớn hơn nhiều so với môi trường sống ôn đới.

Chim vàng anh Baltimore phổ biến ở Bắc Mỹ. Sau khi sinh sản ở vùng Đông Bắc, chúng di cư đến Florida, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ để trú Đông. (Ảnh: Gulo in Nature)
Chim vàng anh Baltimore phổ biến ở Bắc Mỹ. Sau khi sinh sản ở vùng Đông Bắc, chúng di cư đến Florida, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ để trú Đông. (Ảnh: Gulo in Nature)

Điều đánh đổi của các loài chim nhiệt đới là chúng có thể mất tới 90% tổ của chúng vào tay kẻ săn mồi, so với tỷ lệ 50% và thấp hơn đối với các loài chim ở môi trường sống ôn đới.

Bên cạnh đó, chim di cư còn phải cạnh tranh trực tiếp với những loài bản địa. Chưa kể khí hậu ấm áp cũng là điều kiện lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng tồn tại, lan truyền.

Để tận dụng những điều kiện sống ưu việt ở cả hai phương, loài chim đã có một đối sách thực sự hoàn hảo.

Những loài chim di cư đã căn đúng vào mùa Xuân để trở về phương Bắc - lúc này là thời điểm bùng nổ nguồn thực phẩm với vô số các loại hạt, trái cây và côn trùng. Trong chuyến trở về này, chúng sẽ tận dụng nguồn tài nguyên để sinh sản.

Thêm vào đó, mùa Xuân và mùa Hè ở phương Bắc có ngày dài hơn đáng kể so với đêm, vì thế loài chim có thêm nhiều thời gian để kiếm mồi để nuôi đàn con khôn lớn.

Ngoài ra, khi trở về phương Bắc, những loài động vật săn mồi thiên địch của loài chim đều có sự sụt giảm đáng kể qua mùa Đông khắc nghiệt. Vì thế, chim di cư có thể tận hưởng mùa sinh sản an toàn.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-loai-chim-luon-bay-ve-phuong-nam-vao-mua-dong-post922627.vnp)

.
.
.