Thứ Ba, 27/02/2024, 14:55 (GMT+7)
.

Chiết xuất hợp chất quý từ cây quao nước trị tiểu đường

Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và chiết xuất thành công hợp chất irinoid sử dụng làm nguyên liệu tạo chế phẩm điều trị bệnh tiểu đường.

Quao nước là loài cây ngập mặn có tên khoa học là Dolichandrone spathacea (L.f) K. Schum. thuộc họ quao (Bignoniacea). Tại Việt Nam cây mọc phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có rừng sác, sú vẹt và dọc các cửa sông. Các hợp chất phân lập được từ loài quao nước chủ yếu thuộc nhóm iridoid (có tác dụng hạ đường huyết, giảm đau, chống viêm, chống co thắt, chống sưng tấy, chống virus, nhuận tràng). Theo đó trong dân gian thường sử dụng làm thuốc nhuận gan, tiêu độc, chữa dị ứng, khử trùng. Hoa và trái non của cây quao có thể ăn được.

Từ năm 2020 nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học đã nghiên cứu quy trình chiết xuất các hợp chất irinoid từ cây quao nước và tổng hợp một số dẫn xuất để tạo chế phẩm hạ đường huyết.

Cây quao nước. Ảnh: ST
Cây quao nước. Ảnh: ST

Các nghiên cứu đã chứng minh iridoid có hoạt tính hạ đường huyết mạnh. Các nghiên cứu của nhóm cho thấy lớp chất iridoid chiếm hàm lượng lớn trong cây ở cả vỏ, cành và lá quao nước. Trên cơ sở nghiên cứu quy trình chiết xuất iridoid quy mô phòng thí nghiệm, dung môi acetone được lựa chọn để làm dung môi chiết cho quy trình tạo chế phẩm quy mô 100g/mẻ. Acetone có khả năng chiết chọn lọc các iridoid, ít độc hại, dễ loại bỏ trong quá trình chiết.

Theo Viện Hóa học, lần đầu tiên 3 chất được phân lập từ loài này và 5 dẫn xuất iridoid bán tổng hợp mới được chiết xuất thành công. Đây cũng là lần đầu tiên nghiên cứu đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α- glucosidase của các dẫn xuất và các iridoid phân lập được từ cây quao nước. Kết quả nghiên cứu được hội đồng khoa học đánh giá xuất sắc, triển vọng tạo chế phẩm chứa irinoid có tác dụng hạ đường huyết, ứng dụng vào thực tế.

Quy trình tạo chế phẩm quao nước quy mô 100g chế phẩm /mẻ: Nguồn: Viện Hóa học
Quy trình tạo chế phẩm quao nước quy mô 100g chế phẩm /mẻ: Nguồn: Viện Hóa học

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là một dạng bệnh nội tiết do rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Theo tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường nhanh nhất thế giới. Số liệu năm 2023 Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân gặp biến chứng làm gia tăng chi phí điều trị. Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người 20-79 tuổi tăng hơn gấp ba lần.

Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong số người trưởng thành tuổi 30-69, tỷ lệ đái tháo đường từ 5,4% năm 2012 tăng lên 7,3% vào năm 2020. Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà còn khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Trong khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường có hơn 55% gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.