Chủ Nhật, 04/02/2024, 15:11 (GMT+7)
.

Khách chọn nước lọc thay bia rượu, tiệc tất niên vãn tiếng 'dzô' nhưng vẫn nhiệt

Những ngày cuối năm, nhiều nơi tổ chức các bữa tiệc tất niên linh đình. Hầu hết các nhà hàng, quán đều vang tiếng “dzô dzô”. Năm nay, tiếng vang ấy vẫn còn nhưng đã bớt nhiều.

Anh Hoàng Nam (34 tuổi, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, năm nay anh tham dự nhiều cuộc tất niên nhưng không còn uống bia, rượu như trước.

“Xác định lái xe ô tô đi ăn tất niên, tôi không uống rượu, bia dù chỉ là một giọt. Việc đó vừa đảm bảo an toàn khi di chuyển, vừa giúp tôi không còn lo lắng bởi việc bị phạt đến hơn 30 triệu đồng.

Cùng với phạt tiền, tước bằng lái, tạm giữ phương tiện còn khiến gia đình mất luôn phương tiện đi lại trong Tết”, anh Nam nói.

Anh nhớ lại, cách đây không lâu, người bạn của anh bị phạt 35 triệu đồng kèm tước bằng lái 23 tháng do vi phạm nồng độ cồn. Đây là hồi chuông cảnh báo cho bản thân anh khi đến các buổi tiệc tùng.

b

Nhiều người nói không với bia rượu trong bữa tiệc tất niên. Ảnh NVCC

Tương tự anh Nam, anh Việt (ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng chọn phương án uống nước lọc trong buổi tiệc tất niên. Anh chia sẻ, ở một số bữa tiệc tất niên, nhiều bàn có đến 50% thanh niên không uống bia, rượu.

“Đại đa số đều chạy ô tô, không uống bia, rượu vì không muốn vi phạm nồng độ cồn. Chúng tôi cũng ‘dzô’ mạnh, nhưng là nước ngọt, nước lọc. Phải thừa nhận nhiệt không nhiều bằng uống bia, nhưng an toàn là trên hết”, anh Việt cười vui.

Cũng theo anh Việt, một số người sẽ uống nhưng gọi thêm vợ đi cùng để đưa về sau khi tan tiệc. Số khác “kẹp nách” một vài lon bia không cồn.

Là nhân viên một công ty công nghệ ở Hà Nội, anh Công Thuyên (30 tuổi) chia sẻ, chưa tất niên nào như năm nay, cả bữa tiệc anh chỉ uống đúng một lon bia.

“Văn hoá của công ty tôi khi đi tiệc là không uống say. Năm nay, mọi người đều nghiêm túc thực hiện. Trên bàn tiệc có nước lọc, nước ngọt, bia rượu ai muốn uống gì tuỳ ý. Nhiều người vẫn chọn bia, rượu nhưng uống rất ít.

Anh em mời nhau thì chỉ cần chạm cốc là được, không ai ép uống. Suốt cả buổi tiệc, tôi chỉ uống một lon bia. Tôi thấy uống ít đỡ tổn hại đến sức khoẻ và cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc vui”, anh Thuyên nói.

Anh Thanh Bình (37 tuổi), nhân viên một ngân hàng ở Đà Nẵng cho biết, những năm trước, vào dịp cuối năm anh luôn về nhà trong tình trạng say bí tỉ. Vợ chồng vì thế mà cũng cãi vã, xích mích. Năm nay, anh được vợ khen vì có “tiến bộ”.

“Tôi cũng không muốn uống nhiều vì hại sức khoẻ, nhưng công việc phải tiếp khách, vì nể, vì sợ mất lòng nên phải nâng chén để sau còn dễ làm việc. Tuy nhiên, năm nay, tôi thấy mọi người đều giữ mình, uống cầm chừng hơn”, anh nói.

Cuối năm là thời điểm mà các nhà hàng, quán nhậu mong chờ tăng doanh thu, vì lượng khách tăng cao. Tuy nhiên, do lo ngại vi phạm quy định về nồng độ cồn, lo ảnh hưởng tới sức khoẻ… nên nhiều người giảm bớt việc đi nhậu.

Anh Nguyễn Sơn, chủ nhà hàng hải sản ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, trước đây, cuối năm là thời điểm doanh thu tăng cao nhất vì khách đến liên hoan, tất niên, tổng kết... Nhà hàng lúc nào cũng nườm nượp khách, từ chiều tới khuya.

“Năm nay, lượng khách của quán tôi giảm mạnh, đến 50%”, anh Sơn than thở.

Theo VietNamNet

.
.
.