Trung Quốc lắp đặt kính thiên văn săn tìm hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời
Với khẩu độ 4,4m, kính viễn vọng quang phổ lớn do Đại học Giao thông Thượng Hải phát triển có thể tạo điều kiện chuyển đổi nhanh chóng giữa các nguồn mục tiêu, cho phép quan sát quang phổ kịp thời.
Một kính viễn vọng của Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Các chuyên gia Trung Quốc dự kiến lắp đặt một kính viễn vọng quang phổ lớn, được thiết kế để tìm kiếm các ngoại hành tinh (những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời), và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026.
Đây là dự án cho trường Đại học Giao thông Thượng Hải phát triển.
Kính viễn vọng có tên là Kính viễn vọng Quang phổ của Đại học Giao thông, được xây dựng trên núi Saishiteng thuộc tỉnh Thanh Hải.
Với khẩu độ 4,4m, kính thiên văn có thể tạo điều kiện chuyển đổi nhanh chóng giữa các nguồn mục tiêu, cho phép quan sát quang phổ kịp thời.
Theo các nhà khoa học, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại những kết quả nghiên cứu có tính đột phá trong một số lĩnh vực.
Máy quang phổ có độ chính xác cao của kính thiên văn này sẽ cho phép quan sát đồng thời nhiều mục tiêu và đây là máy quang phổ đầu tiên thuộc loại này trên toàn thế giới.
Các chuyên gia của trường Đại học Giao thông Thượng Hải nhấn mạnh kính thiên văn có khả năng nâng cao đáng kể hiệu quả phát hiện các ngoại hành tinh.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-lap-dat-kinh-thien-van-san-tim-hanh-tinh-nam-ngoai-he-mat-troi-post927353.vnp)