Phát hiện bằng chứng về công cụ đá sớm nhất Việt Nam tại Di chỉ Mái đá Ngườm
Qua đánh giá bước đầu của các chuyên gia, hiện vật thu được trong đợt khai quật tại Di chỉ Mái đá Ngườm từ 20/3 đến nay dự đoán niên đại dao động từ khung 60.000 năm tới khoảng 120.000 năm trước.
Di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm. Nguồn: Báo Nhân Dân |
Ngày 12/4, tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Viện Khảo cổ Học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả về lần khai quật thứ 5 tại Di chỉ Mái đá Ngườm thuộc địa bàn xã Thần Sa.
Đợt khai quật lần thứ 5 tại Di chỉ Mái đá Ngườm được tiến hành từ ngày 20/3 đến nay, do Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn - nghiên cứu viên của Viện Khảo cổ Học - chủ trì.
Tiến sỹ Hà Văn Cẩn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ Học cho biết công tác khai quật được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, tuân thủ quy trình luật định trong hoạt động khai quật khảo cổ.
Việc khai quật được triển khai trên diện tích 6m2. Qua đánh giá bước đầu của các chuyên gia, bằng những phân tích khoa học về địa tầng, hiện vật thu được dự đoán niên đại dao động từ khung 60.000 năm tới khoảng 120.000 năm trước.
Đây là loại hình di tích hang động/mái đá duy nhất phát hiện các bằng chứng về quá trình sử dụng và chế tác công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, công tác nghiên cứu khảo cổ ở Khu Di tích Khảo cổ Thần Sa nói chung và Di chỉ Mái đá Ngườm nói riêng đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ 20, với bốn lần khai quật vào các năm 1981, 1982, 1985 và năm 2017.
Mặc dù các đợt khai quật diễn ra không liên tục, nhưng kết quả thu được đều là cứ liệu quan trọng để các nhà chuyên môn xác định đây là khu di tích lớn, đặc biệt quan trọng với lịch sử văn hóa của dân tộc, mang lại giá trị khoa học có tính chất bước ngoặt đối với quá trình nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt đó, năm 1982, Khu Di tích Khảo cổ Học Thần Sa đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Phát biểu tại chương trình, bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, mong muốn Viện Khảo cổ Học tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong phân tích, xác định tuổi cho các mẫu trầm tích thu được theo phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại; đồng thời đề nghị huyện Võ Nhai tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy hệ thống di tích trên địa bàn.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ Học và các nhà chuyên môn kiểm kê hệ thống các dấu tích vật chất, các di tích khảo cổ, xây dựng kế hoạch tổ chức khai quật trong những năm tiếp theo, nghiên cứu đề xuất lập quy hoạch khảo cổ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hướng bền vững.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-bang-chung-ve-cong-cu-da-som-nhat-viet-nam-tai-di-chi-mai-da-nguom-post939950.vnp)