Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:53 (GMT+7)
.
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO:

Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Trên cơ sở những định hướng, kế hoạch đề ra, thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang đã đạt nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KH&CN

Thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp (DN) KH&CN. Với vai trò cơ quan chuyên môn, Sở KH&CN đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn DN thành lập DN KH&CN với nhiều nội dung.

Trong năm 2023, Sở KH&CN đã cấp Giấy Chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN cho chi nhánh Công ty TNHH Capiworld (tại Tiền Giang) với các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN là vật liệu Aerogel từ tro bay và vật liệu Aerogel từ sợi cao su phế liệu. Đến nay, Sở KH&CN đã cấp Chứng nhận DN KH&CN cho 9 DN. Từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển KH&CN, nhiều DN đã được vay vốn nhằm thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới và nâng cao chất lượng.

Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát các doanh nghiệp để triển khai xây dựng cổng thông tin TXNG.
Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát các doanh nghiệp để triển khai xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc.

Điều này góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Công ty TNHH SD với ngành nghề sản xuất kinh doanh là sản xuất đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em bằng gỗ được thành lập năm 1989 tại TP. Mỹ Tho. Năm 1999, cơ sở được nâng cấp lên thành DN với tên gọi DNTN SD. Tháng 2-2018, chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV SD. Năm 2021, DN chuyển đổi hình thức kinh doanh từ Công ty TNHH MTV SD sang Công ty TNHH SD.

Từ năm 2014, Công ty TNHH SD đã vay Quỹ Phát triển KH&CN với số tiền là 2 tỷ đồng để phát triển sản phẩm. Sản phẩm chính của Công ty TNHH SD hiện nay bao gồm: Đồ chơi cho trẻ em; bàn, ghế cho trẻ em; hàng gia dụng và quà tặng bằng gỗ; công cụ trường học; đồ chơi cho thú cưng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của Công ty TNHH SD ngày càng được mở rộng sang các nước châu Á, trong đó thị trường chính vẫn là Đan Mạch.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp (KN) và KNĐMST có mối quan hệ gắn bó với hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT). Quyền SHTT chính là công cụ đắc lực tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN trong nền kinh tế thị trường. Để tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động ĐMST, xác lập và bảo hộ quyền SHTT, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, quyết định, nghị quyết nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST, SHTT trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 05 ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh quy định nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Kế hoạch 07 ngày 11-1-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 06 ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, ngành KH&CN còn phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm về hướng dẫn nhận diện và đăng ký xác lập quyền SHTT cho DN; các lớp tập huấn về SHTT cho các DN và đơn vị liên quan…

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ công nhận 4 nhãn hiệu chứng nhận: Gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy. Đây là điều kiện để các sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

HỖ TRỢ KN, ĐMST

Những năm qua, hệ sinh thái KN, ĐMST ở tỉnh đã từng bước hình thành. Các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia tương đối chủ động và tích cực, Sở KH&CN từng bước triển khai các hoạt động nhằm hình thành, kết nối và hoàn thiện các chủ thể trong hệ sinh thái KN, ĐMST của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; các hội thảo khoa học và công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ, phổ biến kiến thức về KN, ĐMST, sở hữu trí tuệ; các cuộc thi… nhằm tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng để thương mại hóa.

HTX Hươu sao Tây Nam bộ khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao  lấy nhung và chế biến sâu.                                                                                                Ảnh: NGỌC AN
HTX Hươu sao Tây Nam bộ khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và chế biến sâu. Ảnh: NGỌC AN

Nhiều mô hình KN, ĐMST thành công, điển hình trong đó phải kể đến mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và chế biến sâu của Hợp tác xã (HTX) Hươu sao Tây Nam bộ; Công ty cổ phần Trang trại sạch chuyên sản xuất, kinh doanh trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế; nghiên cứu để tạo ra chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ giúp phân giải Paclobutrazol trong đất, phòng trị tuyến trùng và nấm bệnh gây trên cây xoài cát Hòa Lộc, ổi.

NHIỀU NHIỆM VỤ ĐƯỢC TRIỂN KHAI VÀ ỨNG DỤNG ĐẠT HIỆU QUẢ

Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước, trong năm 2023, Sở KH&CN đã tập trung thẩm định mới 13 nhiệm vụ, trình cấp thẩm quyền ban hành quyết định triển khai các nhiệm vụ KH&CN liên quan để giải quyết các các vấn đề trọng tâm lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội, y dược, hỗ trợ DN.

Các nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu cho các đối tượng cây trồng gồm: Sản xuất dừa chứng nhận hữu cơ; sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm cây khóm; giải pháp kỹ thuật canh tác và xây dụng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP và xử lý phụ phẩm lá sả thành phân hữu cơ ở Tân Phú Đông; giải pháp kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại và bảo quản sau thu hoạch dưa hấu đảm bảo an toàn, phục vụ thị trường tiêu thụ.

Sở KH&CN hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên rau, quả, lúa cho các HTX, THT.    Ảnh: NGỌC AN
Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên rau, quả, lúa cho các HTX, THT. Ảnh: NGỌC AN

Trên lĩnh vực chăn nuôi có các nhiệm vụ gồm: Bệnh viêm da nổi cục trên bò; ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá mức độ an toàn sinh học phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi; chọn lọc, nâng cao năng suất trứng của gà tre và xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà tre sinh sản và gà tre hướng thịt; cải tiến khả năng sinh trưởng, sinh sản của giống dê lai hướng thịt tại tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ như: Kỹ thuật sinh sản và nhân giống giun nhiều tơ đặc trưng vùng miền; xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Tiền Giang” tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; các vấn đề xã hội nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ tri thức...

Trong năm 2023, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã nghiệm thu kết thúc 20 nhiệm vụ và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ: Lĩnh vực nông nghiệp (10), kỹ thuật công nghệ (3), khoa học xã hội (2), sở hữu trí tuệ (4), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng (1). Qua đó, đã xây dựng được 14 mô hình, 10 quy trình, 1 phần mềm, 3 kỷ yếu hội thảo khoa học, 18 chuyên đề, 11 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, 1 đào tạo sau đại học, 5 clip phóng sự, đóng góp 28 bài báo trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Tỷ lệ nhiệm vụ đạt 93,3% nhiệm vụ có bài báo khoa học. Sản phẩm của các nhiệm vụ đã được chuyển đến đơn vị ứng dụng để tiếp nhận, nhân rộng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

XÂY DỰNG CỔNGTHÔNG TIN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Thực hiện Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG)”, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa chủ lực tỉnh Tiền Giang”. Mục tiêu của nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025 là xây dựng hệ thống và quản lý thông tin TXNG cho 40 sản phẩm, hàng hóa chủ lực trong tỉnh và kết nối được với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Định hướng năm 2025, Sở KH&CN sẽ tiếp tục phát triển hệ thống TXNG thành hệ thống đa ngành nghề, đa ngôn ngữ nhằm xuất khẩu hàng hóa ra nhiều nước trên thế giới.

Dưa hấu Gò Công được hỗ trợ công nhận nhãn hiệu chứng nhận.
Dưa hấu Gò Công được hỗ trợ công nhận nhãn hiệu chứng nhận.

Từ đó, kết nối được các chuỗi cung ứng trong nước và ngoài nước. Hiện Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa chủ lực tỉnh Tiền Giang”. Với sự cần thiết và ý nghĩa trên, hiện Sở KH&CN đang tập trung khảo sát lựa chọn các DN để triển khai mô hình thí điểm TXNG. Qua khảo sát, một số doanh nghiệp ban đầu, các đơn vị như Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát và Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng đã sẵn sàng tham gia việc TXNG.

CHỨNG NHẬN VIETGAP TRÊN RAU, QUẢ, LÚA CHO CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, nhiều nông sản chủ lực đã được chứng nhận VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể, đến hết năm 2023, toàn huyện Châu Thành có 22 mô hình VietGAP/22 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với cây trồng chủ lực của địa phương là cây ăn trái và rau màu. Đến nay, các mô hình này thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo việc ghi chép nhật ký, an toàn thực phẩm.

Trong quá trình đánh giá chứng nhận, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang (Sở KH&CN) nhận thấy được sự quan tâm của chính quyền các cấp đến tình hình hoạt động của các HTX, tổ hợp tác (THT), đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và lãnh đạo, cán bộ nông nghiệp các xã. Bên cạnh đó, các HTX/THT đã thể hiện được tính chủ động, quyết tâm trong quá trình điều hành và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một trong những yếu tố quan trọng là sự chủ động, đoàn kết, đầu tư của các nông hộ để đảm bảo sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

T. Đ

 

.
.
.