Chủ Nhật, 05/05/2024, 21:46 (GMT+7)
.

Lần đầu quan sát đười ươi đắp thảo dược vào vết thương

Các nhà khoa học quan sát đười ươi cố ý điều trị vết thương trên mặt bằng một loại thảo dược địa phương.

Ruka dùng cách nhai lá để đắp lên vết thương hở trên mặt. Ảnh: Armas
Ruka dùng cách nhai lá để đắp lên vết thương hở trên mặt. Ảnh: Armas

Rakus, một con đười ươi Sumatra đực, chữa trị vết thương trên mặt bằng cách nhai lá từ loại cây leo mang tên Akar Kuning và liên tục xoa nước lá vào má, theo nghiên cứu công bố hôm 2/5 trên tạp chí Scientific Reports. Rakus sau đó đắp lá đã nhai lên vết thương. Các nhà khoa học cho biết Akar Kuning là loại dược thảo chuyên dùng để điều trị những bệnh như kiết lỵ, tiểu đường và sốt rét.

Trưởng nhóm Isabelle Laumer, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện hành vi động vật Max Planck, chia sẻ bà và cộng sự rất hào hứng với quan sát diễn ra vào tháng 6/2022 trong khu vực Suaq Balimbing ở vườn quốc gia Gunung Leuser, Indonesia. Dù một số loài linh trưởng hoang dã khác cũng nuốt, nhai hoặc xoa cây cỏ có tác dụng trị bệnh, giới khoa học chưa bao giờ trông thấy chúng làm vậy để chữa trị vết thương mới.

Nhóm nghiên cứu cho rằng Rakus cố ý sử dụng cây Akar Kuning để xử lý vết thương khi đắp lá nhiều lần trong quá trình kéo dài vài phút. Hành vi này là ví dụ đầu tiên về việc chủ động chữa trị vết thương bằng một loại cây ở loài linh trưởng lớn.

Các nhà nghiên cứu suy đoán Rakus nhiều khả năng bị thương trong trận chiến với một con đười ươi đực khác, điều khá hiếm gặp trong vùng do lượng thức ăn dồi dào, tính nhẫn nhịn cao của đười ươi và thứ bậc xã hội tương đối ổn định. Vì vậy, đười ươi rất ít khi bị thương và giới nghiên cứu không có nhiều cơ hội để quan sát hành vi đắp thảo dược của chúng.

Laumer giải thích Rakus có thể học cách chữa trị vết thương một cách tình cờ. Con đười ươi có thể vô tình chạm vào vết thương trong lúc ăn lá cây và lập tức cảm thấy cơn đau dịu đi nhờ tác dụng giảm đau, thôi thúc nó lặp lại hành vi. Một cách giải thích khác là Rakus học hỏi từ những con đười ươi khác trong khu vực nơi nó sinh ra.

Quan sát trên dấy lên khả năng việc chữa trị vết thương có thể bắt nguồn từ tổ tiên chung giữa con người và đười ươi. Nhóm nghiên cứu lên kế hoạch quan sát kỹ hơn bất kỳ con đười ươi bị thương nào trong vùng để xem liệu hành vi có lặp lại hay không. Họ cũng hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ thu hút sự quan tâm đối với tình trạng cực kỳ nguy cấp của đười ươi trong tự nhiên.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.