.

Bí ẩn xác ướp 4.000 năm ở Tân Cương

Cập nhật: 20:05, 12/06/2024 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định rõ nguồn gốc những xác ướp Xiaohe khai quật ở Tân Cương cũng như sự biến mất trong lịch sử của nền văn minh này.

Hình dáng của xác ướp Công chúa Xiaohe. Ảnh: Vice
Hình dáng của xác ướp Công chúa Xiaohe. Ảnh: Vice

Năm 1939, nhà khảo cổ học người Thụy Điển Bergman Folke có một phát hiện đáng chú ý. Ông và cộng sự tìm thấy một loạt ngôi mộ ở khu tự trị Tân Cương, gọi là mộ Xiaohe. Tuy nhiên, trong 60 năm tiếp theo, những ngôi mộ này bị lãng quên cho tới năm 2000, khi giám đốc Viện khảo cổ và di chỉ văn hóa Tân Cương tái phát hiện chúng. Mãi tới năm 2005, công tác khai quật mới hoàn tất, theo Ancient Origins.

Kích thước của khu mộ ở quy mô chưa từng có. Tính đến nay, có 330 ngôi mộ được khai quật ở nhiều lớp đất khác nhau. Cụm mộ bao gồm hài cốt người lớn và trẻ em cũng như 15 xác ướp nguyên vẹn. Khoảng một nửa số ngôi mộ bị những kẻ trộm mộ cướp phá. Đây là lần đầu tiên nhiều xác ướp như vậy được tìm thấy trong cùng khu mộ. Các quan tài đóng từ gỗ và có hình dáng giống chiếc thuyền, chôn kiểu úp ngược, tương tự quan niệm của người Ai Cập về chiếc thuyền đưa pharaoh tới vùng đất của các vị thần.

Quần áo và đồ trang sức cũng được chôn cùng người chết trong những chiếc rổ nhỏ. Hài cốt được quấn vải len và da bò dùng để bọc quan tài hoàn hảo đến mức không có một hạt cát nào lọt vào trong. Rơm rạ đặt trong rổ trông vẫn còn mới thậm chí sau hàng nghìn năm. Ngoại trừ quan tài bằng gỗ tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy 4 quan tài gỗ phủ đất sét dày. Những quan tài này có hình chữ nhật, bao quanh bởi 6 - 8 cọc gỗ. Số quan tài đó chứa hình người bằng gỗ thay vì hài cốt thực. Tất cả hình người bằng gỗ đều có cùng hình dáng, biểu trưng cho nam giới và có chữ X màu đỏ bên trên. Bên cạnh xác ướp, nhiều đồ tạo tác khác cũng được phát hiện trong mộ, bao gồm mặt nạ gỗ và đồ chạm khắc.

Một trong những xác ướp có tên Công chúa Xiaohe, cực nổi tiếng do vẻ đẹp và trạng thái bảo quản tốt. Đó là một người phụ nữ da trắng có mắt tròn, lông mi và tóc dài, cùng nhiều đặc điểm tương tự người châu Âu thay vì người Trung Quốc. Khu mộ có niên đại từ năm 2000 trước Công nguyên và các xác ướp dường như có nguồn gốc Caucasian. Tuy nhiên, phân tích ADN hài cốt hé lộ sự pha tạp nhiều quần thể dân cư đến từ phương Đông và phương Tây. Những người đàn ông có nhiễm sắc thể thường thấy ở Bắc Âu, Đông Âu và Siberia.

Tranh cãi về những cư dân và ngôn ngữ đầu tiên của Tân Cương vẫn kéo dài. Tương tự, cho tới nay, văn hóa của người Xiaohe, nguồn gốc xuất thân và lý do họ biến mất của nền văn minh vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.