.

Có nên mở chai rượu cổ nhất thế giới?

Cập nhật: 13:41, 01/06/2024 (GMT+7)

Trong vài năm qua, các nhà sử gia đương đại tranh cãi liệu có nên mở chai rượu vang Speyer, chai rượu lâu đời nhất từng được biết đến hay không.

Chai rượu vang Speyer tại bảo tàng. Ảnh: The Local Germany
Chai rượu vang Speyer tại bảo tàng. Ảnh: The Local Germany

Chai rượu 1.650 năm bịt kín bằng sáp và chứa chất lỏng màu trắng đang được trưng bày ở Bảo tàng lịch sử Palatinate (Pfalz) tại Đức. Thông thường, chai rượu càng lâu năm, vị rượu càng ngon. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chai rượu vang Speyer cổ đến mức nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu rượu trong đó có thể uống được hay không.

Chai rượu vang này có niên đại vào khoảng năm 325 - 350. Một quý tộc La Mã được chôn cất cùng với chai rượu sản xuất tại địa phương vào năm 350. Khi khai quật ngôi mộ của ông gần thành phố Speyer tại Đức năm 1867, các nhà nghiên cứu bị sốc khi phát hiện vẫn còn chất lỏng bên trong chai rượu.

Dù một nhà hóa học từng phân tích nó trong Thế chiến I, chai rượu chưa bao giờ được mở. Dầu olive và nút bịt từ sáp nóng lưu giữ lượng rượu màu trắng suốt 1.650 năm từ khi sản xuất. Dù chai rượu đã nằm ở phòng trưng bày của bảo tàng hơn một thế kỷ và gây tò mò nhiều, chưa có nhóm nghiên cứu nào dám mở nó.

Trong nhiều năm qua, giới nghiên cứu tranh cãi về việc nhiều nhà vi sinh vật học cho rằng mở chai rượu có thể nguy hiểm. Theo người quản lý phòng trưng bày rượu của bảo tàng Ludger Tekampe, họ không biết rượu vang trong chai có chịu được tác động khi tiếp xúc với không khí hay không. Họ suy đoán nếu uống chai rượu, vị của nó sẽ giống như kẹo cao su. Ngoài ra, theo giáo sư chuyên nghiên cứu rượu Monika Christmann ở Đại học Geisenheim, về mặt vi sinh vật học, chai rượu vang có thể không hỏng, nhưng nó sẽ không dễ chịu xét về khẩu vị. Dường như vấn đề có mở chai rượu hay không sẽ tiếp tục làm đau đầu các nhà khoa học và chuyên gia về rượu trong nhiều năm tới.

Tuy bằng chứng cổ nhất về sản xuất rượu được tìm thấy ở Armenia vào khoảng năm 4100 trước Công nguyên, truyền thống sản xuất và uống rượu của phương Tây nhiều khả năng bắt nguồn từ Hy Lạp, nơi mọi người uống rượu vào bữa sáng. Người La Mã yêu thích rượu do ảnh hưởng từ người Hy Lạp và mở rộng sản xuất tiêu thụ rượu trên khắp đế quốc rộng lớn. Nhiều thế kỷ sau, sản xuất và tiêu thụ rượu tăng mạnh ở hầu hết các nơi trên thế giới, phát triển từ thế kỷ 15 trở đi.

Thời kỳ từ năm 1810 đến năm 1875 được các sử gia hiện đại gọi là kỷ nguyên vàng của rượu. Ở phía bắc châu Âu, cách mạng công nghiệp và của cải từ thuộc địa hải ngoại cung cấp cho tầng lớp trung lưu nhiều tài nguyên để sở hữu hàng hóa xa xỉ, trong đó có rượu.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.