Mô hình kiểu mẫu của tỉnh về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững
Sau thời gian dài khởi nghiệp với nhiều ngành, nghề khác nhau, đầu năm 2017, anh Lê Trọng Nghĩa quyết định chọn nghề chăn nuôi trên vùng đất Tân Phước, tỉnh Tiền Giang (ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh). Đặc biệt, anh đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp và từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và giải quyết tốt vấn đề môi trường.
Anh Lê Trọng Nghĩa và máy ép phân heo, vừa cung cấp khí biogas (sử dụng nước phân) cho máy phát điện vừa cung cấp nguồn phân chuồng (xác phân) cho người dân có nhu cầu. |
Anh Nghĩa cho biết, lý do chọn vùng đất Hưng Thạnh thuộc huyện Tân Phước để triển khai dự án đầu tư chăn nuôi do nhận thấy nơi đây quỹ đất còn nhiều và nằm xa khu vực dân cư, giao thông lại rất thuận lợi (kết nối với đường vào Khu công nghiệp Long Giang) nên có thể xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn.
Đầu tiên, anh mua đất từ 3 người chủ khác nhau và lập thủ tục nhập thành một thửa có tổng diện tích gần 60.000 m2. Sau khi bố trí đất để xây dựng nhà ở, phần diện tích còn lại, anh sử dụng để đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích gần 4.000m2; trong đó, đàn gà thịt quy mô 20.000 con, đàn heo quy mô 2.500 con (gà thịt anh xuất bán cho tư thương, heo thịt anh nuôi gia công cho Công ty Cổ phần CP Việt Nam). Tổng kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Đối với đàn gà, anh sử dụng trấu làm chất độn chuồng, mỗi tháng đảo trộn một lần, sau khi gà xuất chuồng (khoảng 2 tháng), toàn bộ phân được anh bán cho các nhà vườn. Đối với đàn heo, chất thải được đưa vào các túi biogas có dung tích hàng trăm mét khối nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Nhằm khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải của đàn heo, anh đầu tư máy phát điện công suất 500 mã lực (HP) để tạo ra nguồn năng lượng sạch cung cấp bổ sung cho hoạt động của trang trại.
“Từ khi đưa vào vận hành, mỗi tháng máy phát điện cung cấp từ 5.000 - 6.000 kWh điện, bổ sung trên 30% lượng điện năng tiêu thụ cho hoạt động của trang trại, bao gồm hệ thống chuồng lạnh bán tự động (làm mát bằng hơi nước và hệ thống quạt hút) cộng với hệ thống dây chuyền cung cấp thức ăn tự động tiêu thụ điện năng rất lớn (chi phí tiền điện của trang trại mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng)” - anh Nghĩa cho biết.
Chất thải rắn từ hầm chứa biogas được đưa vào ao lắng có diện tích trên 5.000 m2 (độ sâu từ 2 - 3 m), giúp giải quyết tốt vấn đề môi trường. Cũng từ đó, anh Nghĩa tiến hành nghiên cứu sử dụng chất thải lắng đọng dưới đáy ao làm vật liệu san lấp (đã thử nghiệm thực tế cho kết quả nhất định). Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thiết bị ép phân heo lấy nước đưa vào hầm biogas để chạy máy phát điện, phần xác phân sẽ bán cho người dân có nhu cầu làm phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn cho trùn quế.
Để khai thác hiệu quả hệ thống mái khu trại nuôi gà, anh Nghĩa còn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 750 kWp, kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Việc đầu tư hệ thống này vừa giúp làm không gian chuồng trại mát mẻ, giảm điện năng tiêu thụ, vừa giúp anh có thêm nguồn thu nhập do bán điện thương phẩm cho ngành điện trung bình 25 triệu đồng/tháng.
Nhờ đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, mô hình đầu tư của anh Lê Trọng Nghĩa không những giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà còn giải quyết tốt vấn đề môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Hiện tại, mỗi năm trang trại của anh gia công khoảng 500 tấn heo thịt cho Công ty Cổ phần CP Việt Nam, cung ứng cho thị trường khoảng 400 tấn gà thịt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, mô hình trang trại chăn nuôi của anh Nghĩa là mô hình kiểu mẫu của tỉnh về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chọn trang trại chăn nuôi của anh Nghĩa làm mô hình thí điểm về áp dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực chăn nuôi để nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.
TS. THÁI QUỐC HIẾU - THS. HUỲNH VĂN XĨ - T.L