Thứ Năm, 05/09/2024, 20:04 (GMT+7)
.

Quần thể Voọc Cát Bà tăng lên hơn 90 con

Trong hơn 6 tháng năm 2024 có 15 cá thể Voọc Cát Bà con được sinh ra, nâng tổng số quần thể lên hơn 90, con số cao nhất trong khoảng 100 năm qua.

Ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà cho biết, số lượng quần thể được xác nhận qua nghiên cứu về gene di truyền Voọc Cát Bà của Trung tâm nghiên cứu Linh trưởng Göttingen - CHLB Đức.

Voọc Cát Bà hay còn gọi Voọc Đầu Vàng (Trachypithecus poliocephalus) là loài linh trưởng đặc hữu của Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đang ở mức cực kỳ nguy cấp và có số lượng ít thứ 2 trên thế giới.

Một cá thể Voọc Cát Bà trưởng thành và một ở độ tuổi niên thiếu. Ảnh: Neahga Leonard
Một cá thể Voọc Cát Bà trưởng thành và một ở độ tuổi niên thiếu. Ảnh: Neahga Leonard

Từng phân bố rộng rãi trên đảo quần đảo Cát Bà, song nạn săn bắt đã khiến loài vật đặc hữu này giảm xuống chỉ khoảng trên 40 cá thể vào năm 2000. Sau đó Vườn Quốc gia Cát Bà đã phối hợp với Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) và Vườn thú Allwetterzoo Münster (CHLB Đức) thành lập Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài này.

Kết quả, số lượng cá thể Voọc tăng dần. Từ đầu năm 2024 đến nay có 14/15 con non được sinh ra và sống khỏe mạnh. Theo Ban quản lý dự án, đây là năm có số lượng con non được sinh ra nhiều nhất. "Điều này chứng tỏ những nỗ lực bảo vệ an toàn cho đàn Voọc Cát Bà có kết quả. Chúng tôi hy vọng có thể có thêm con non từ nay đến cuối năm", ông Neahga nói.

Theo ông Neahga Leonard, dự án bắt đầu với một quần thể động vật hoang dã bị sụt giảm xuống mức nguy hiểm, đứng bên bờ tuyệt chủng vào năm 2000. Những năm đầu, nhóm triển khai cố gắng ổn định quần thể, tránh mất mát hơn nữa do nạn săn bắt. Khi đó tỷ lệ con cái tham gia hoạt động sinh sản thấp. Cứ hai năm cá thể mẹ mới sinh con một lần. Bởi vậy sự gia tăng trong những năm đầu vô cùng chậm. "Chỉ đến khi kích thước quần thể dần lớn hơn, chúng tôi mới có được số cá thể cái tham gia sinh sản tăng lên đáng kể như ngày nay, khoảng 30 cá thể, chiếm 30% quần thể Voọc Cát Bà", ông Neahga Leonard nói.

Một đàn Voọc Cát Bà trên vách đá. Ảnh: Mai Sỹ Luân
Một đàn Voọc Cát Bà trên vách đá. Ảnh: Mai Sỹ Luân

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải đánh giá, sự gia tăng của quần thể Voọc Cát Bà là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn linh trưởng của Việt Nam và thế giới. Voọc Cát Bà là một trong số ít những loài linh trưởng trong tình trạng nguy cấp đang gia tăng.

Hơn 90 cá thể Voọc Cát Bà hiện sống chủ yếu trên những vách đá cheo leo bên bờ biển của Quần đảo Cát Bà, nơi gắn liền với nguồn thức ăn và nơi trú ngụ an toàn cho chúng.

Tất cả các loài voọc trong chi Trachypithecus đều sinh con có màu vàng cam. Đây là một đặc điểm xã hội, giúp thu hút sự chú ý, quan tâm của các cá thể trưởng thành, tạo sự gắn kết, chia sẻ trong đàn. Voọc con bú sữa mẹ trong những tháng đầu đời. Chúng bắt đầu tập ăn chồi non từ khoảng tháng thứ 3. Tùy từng cá thể, song từ tháng thứ 5 màu da và lông của cá thể trưởng thành đã dần xuất hiện - tối hơn ở cơ thể, hơi xám ở chân và màu vàng đến vàng nhạt ở cổ, đầu. Khi màu lông của con non dần chuyển sang màu của con trưởng thành thì sự quan tâm của các thể khác trong đàn cũng sẽ giảm dần đi. Con cái bắt đầu sinh sản từ khoảng 4 - 6 tuổi.

Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) có những đặc điểm ngoại hình khá giống với Voọc Đầu trắng (Trachypithecus leucocephalus) ở miền Nam Trung Quốc và thường bị gọi nhầm theo tên gọi đó. Tuy nhiên, màu lông phần đầu của Voọc Cát Bà trưởng thành có màu trắng và vàng, của Voọc Đầu Trắng chỉ có màu trắng và chúng vẫn là những loài khác biệt.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.