Thứ Năm, 12/09/2024, 08:16 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Hiệu quả mô hình phục hồi sầu riêng sau hạn, mặn

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” của nhóm nghiên cứu: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy, Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Kỹ sư Nguyễn Văn Mẫn đã hoàn thiện, góp phần quan trọng giúp người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy nói riêng và Tiền Giang nói chung chủ động ứng phó với xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Được biết, sầu riêng là cây trồng chủ lực được trồng tập trung ở huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy với diện tích hơn 14.870 ha. Tuy nhiên, mùa khô 2020, xâm nhập mặn diễn ra sớm và lấn sâu vào nội đồng làm cho diện tích các vườn cây ăn trái của các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại nặng, trong đó cây sầu riêng bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có gần 4.459 ha sầu riêng bị ảnh hưởng, trong đó, 3.537 ha thiệt hại từ 30% đến 70%, 922 ha thiệt hại từ 70 đến 100%.

Theo nhóm nghiên cứu, sau 3 năm triển khai (2021 - 2023), đề tài đã điều tra, đánh giá thực trạng và khảo sát ảnh hưởng hạn, mặn đến sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng (120 nông hộ ở xã Tam Bình, Long Trung, Hiệp Đức; 40 cán bộ của 9 xã có trồng sầu riêng); đề tài nghiên cứu ứng dụng sinh học - hữu cơ để phục hồi sau hạn, mặn cho 2 mô hình vườn sầu riêng ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp.

Đào ao lót bạt nhựa HDPE trữ nước ngọt dùng để tưới cây trong mùa khô.
Đào ao lót bạt nhựa HDPE trữ nước ngọt dùng để tưới cây trong mùa khô.

Đồng thời, đề tài cũng thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến xây dựng mô hình vườn sầu riêng và xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng thích ứng với xâm nhập mặn như: Trữ nước ngọt cho mùa khô, tưới tiết kiệm nước trong mùa khô, bón phân hữu cơ vi sinh Bio, tăng sức chống chịu cho cây và xử lý ra hoa nghịch vụ, thu hoạch né thời điểm có khả năng bị xâm nhập mặn hằng năm.

Kết quả thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng ứng dụng sinh học - hữu cơ phục hồi sau hạn, mặn trên giống Dona và Ri6) giúp vườn cây sầu riêng đang bị suy kiệt, rụng lá ≥50% do bị nhiễm mặn phục hồi bộ rễ, bộ lá, cho năng suất không giảm so với trước khi bị suy kiệt.

Còn giải pháp vét mương trữ nước, đào ao trữ nước kết hợp sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất với mức tưới 96 L/cây/ngày (đưa nước ngọt trực tiếp vào vùng rễ, tránh thất thoát do bốc hơi, chảy tràn), đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho vườn cây trong trường hợp mùa khô bị xâm nhập mặn, giúp cây sầu riêng vẫn sống, sinh trưởng, phát triển, ra hoa, kết trái vụ nghịch, không bị giảm năng suất; đồng thời mở ra cơ hội cải thiện chất lượng quả tốt hơn. Hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất có thể được tích hợp vào hệ thống tưới phun mưa sẵn có tại các nông hộ với chi phí hợp lý.

Theo nhóm nghiên cứu, từ kết quả nghiên cứu của vườn mô hình, quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến thích ứng với xâm nhập mặn đã được biên soạn làm cơ sở để tập huấn, nhân rộng mô hình, giúp nông dân trồng sầu riêng của tỉnh chủ động ứng phó với xâm nhập mặn trong thời gian tới. Ngoài ra, kết quả này có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế - xã hội trong trường hợp nước ngọt tưới cây trở nên khan hiếm, giúp nông dân trồng sầu riêng chủ động bảo vệ vườn cây, thích ứng lâu dài với xâm nhập mặn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, thời gian tới, người dân cần chú trọng nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm vi sinh cho vườn cây sầu riêng, tăng khả năng chống chịu của cây với điều kiện bất lợi của môi trường. Đồng thời, bổ sung vi sinh vật có ích vào đất để khai thác tốt nguồn dinh dưỡng khoáng tự nhiên trong đất và nguồn phân hữu cơ mà nông dân đã bón vào đất, từ đó giảm sử dụng phân bón vô cơ, giảm áp lực sâu bệnh hại, giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cả số lần phun và lượng thuốc sử dụng.

Mặt khác, nước ngọt là nguồn tài nguyên có giới hạn nên người dân cần phải thay đổi cách sử dụng nước tưới cho sầu riêng và biện pháp trữ nước ngọt kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất cần được tiếp tục nghiên cứu, triển khai cho nông dân áp dụng, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

Có thể thấy, đề tài của nhóm nghiên cứu đã triển khai có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn rất cần được các cấp, các ngành quan tâm để tập huấn rộng rãi cho nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh trong thới gian tới.

VIỆT LONG

.
.
.