.

Loài cá giống con lai giữa cá mập và cá đuối

Cập nhật: 15:45, 22/12/2024 (GMT+7)

Cá giống mõm tròn có đuôi giống cá mập nhưng mình dẹt như cá đuối, thích sống sát đáy biển và phía trên các rạn san hô.

Cá giống mõm tròn trông nửa giống cá mập, nửa giống cá đuối. Ảnh: Rich Carey
Cá giống mõm tròn trông nửa giống cá mập, nửa giống cá đuối. Ảnh: Rich Carey

Đại dương là ngôi nhà của nhiều sinh vật độc đáo, từ cá voi khổng lồ đến những loài bọt biển sống tới 11.000 năm. Một loài vật thú vị khác cần được nhắc đến là cá giống mõm tròn (Rhina ancylostoma). Cá giống mõm tròn có vẻ ngoài đặc biệt: đuôi giống cá mập nhưng cơ thể lại dẹt như cá đuối. Vậy chúng là loài nào? Thực tế, chúng có mang ở mặt dưới, dấu hiệu rõ ràng của cá đuối, dù chúng thường được gọi là cá mập đuối.

Đầu cá giống mõm tròn phủ đầy gai xương nhọn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những gai này dùng để húc đầu vào kẻ tấn công, dù điều này chưa được chứng minh. Cá giống mõm tròn trưởng thành có thể đạt tới chiều dài tối đa 3 m. Chúng còn được gọi là cá đàn guitar do những chiếc vây trông giống nhạc cụ này.

Cá giống mõm tròn ăn động vật giáp xác và thân mềm dưới đáy biển. Chúng sở hữu những hàng răng nhiều gờ nhấp nhô giúp nghiền nát vỏ con mồi. Mắt chúng nằm trên đỉnh đầu, nhưng giác quan chính mà chúng dùng để săn mồi là khứu giác.

Cá giống mõm tròn thích sống sát đáy biển. Ảnh: Tomas Kotouc
Cá giống mõm tròn thích sống sát đáy biển. Ảnh: Tomas Kotouc

Nơi sinh sống của những kẻ đi săn này ở khu vực Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương khá rộng, trải dài từ bờ biển Nam Phi đến Nhật Bản, Papua New Guinea và New South Wales ở Australia. Chúng thích sống sát đáy biển, phía trên những khu vực nhiều bùn hoặc cát, hoặc trên các rạn san hô.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp loại cá giống mõm tròn là cực kỳ nguy cấp. Giống như nhiều loài cá mập và cá đuối khác, chúng bị săn bắt để lấy vây làm thức ăn và thường bị bắt lẫn khi ngư dân đánh bắt các loài khác. Gai của chúng cũng được dùng làm trang sức. Theo một nghiên cứu năm 2023, người ta lấy gai để chế tạo thành bùa hộ mệnh và nhẫn, chủ yếu ở Thái Lan. Môi trường sống của chúng cũng đang bị đe dọa do nhiều rạn san hô suy giảm và tình trạng sử dụng chất nổ trong đánh bắt cá.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.