Chủ Nhật, 12/01/2025, 10:59 (GMT+7)
.

2024 trở thành năm nóng nhất lịch sử

Năm 2024 phá vỡ kỷ lục nóng nhất của năm 2023 với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu là 15,10 độ C.

Máy bay xả nước xuống đám cháy Palisades ở Pacific Palisades, Los Angeles. Ảnh: Brian van der Brug/Los Angeles Times
Máy bay xả nước xuống đám cháy Palisades ở Pacific Palisades, Los Angeles. Ảnh: Brian van der Brug/Los Angeles Times

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Ủy ban châu Âu (EC) hôm 10/1 thông báo, nhiệt độ trung bình của Trái Đất năm 2024 cao hơn khoảng 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải nhà kính cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đây là lần đầu tiên thế giới vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C mà khoảng 200 quốc gia đã cam kết tránh theo Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015, khiến 2024 trở thành năm nóng nhất từng ghi nhận.

Mục tiêu của Hiệp định Paris đề cập đến mức nhiệt trung bình trong hơn hai thập kỷ, nên kỷ lục mới này không đồng nghĩa là cam kết không còn hiệu lực, nhưng khiến cho việc đạt mục tiêu trở nên cực kỳ khó khăn. "Có khả năng rất cao chúng ta sẽ vượt qua mức trung bình dài hạn 1,5 độ C và giới hạn của Hiệp định Paris", Samantha Burgess, lãnh đạo chiến lược về khí hậu tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung châu Âu (ECMWF), cho biết.

Năm ngoái, những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên rõ ràng, gây nhiều thảm họa cho con người, từ các đợt nắng nóng chưa từng có đến bão, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng dữ dội. Hàng loạt kỷ lục về khí hậu đã bị phá vỡ như thế giới trải qua ngày nóng nhất lịch sử vào tháng 7, mỗi tháng từ tháng 1 đến tháng 6 đều là tháng ấm nhất từng ghi nhận.

Một lý do cho nhiệt độ kỷ lục có thể là sự xuất hiện của El Nino, chu kỳ khí hậu thường kéo dài 9 - 12 tháng khiến nước ở vùng nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương ấm hơn bình thường, ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi El Nino kết thúc vào giữa năm ngoái, nhiệt độ không trở lại mức trung bình trước đó. Điều này khiến các nhà khoa học tranh cãi xem liệu các mô hình thời tiết khác, việc giảm ô nhiễm từ vận chuyển hay giảm mây có đang thúc đẩy ấm lên toàn cầu hay không.

"Không phải năm nào cũng sẽ phá kỷ lục, nhưng xu hướng dài hạn đã rất rõ. Chúng ta đã thấy tác động trong những trận mưa lớn, sóng nhiệt, nguy cơ lũ lụt tăng, và những điều này sẽ trở nên tệ hơn nếu thế giới tiếp tục phát thải", Gavin Schmidt, giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Goddard (GISS) thuộc NASA, nhận định.

Vẫn còn quá sớm để nhận định về năm 2025. Nhiệt độ mặt biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, nhưng có vẻ đang giảm về mức bình thường hơn. Thêm vào đó, La Nina - hiện tượng trái ngược và mát mẻ hơn El Nino - đã xuất hiện ở vùng gần xích đạo thuộc Thái Bình Dương. Điều này có thể giúp giảm nhiệt độ hơn nữa.

"Mọi bộ dữ liệu nhiệt độ toàn cầu do quốc tế đưa ra đều cho thấy 2024 là năm nóng nhất kể từ khi quá trình ghi chép bắt đầu vào năm 1850. Nhân loại tự quyết định số phận của mình, nhưng cách chúng ta ứng phó với thách thức khí hậu nên dựa trên các bằng chứng. Tương lai vẫn nằm trong tay chúng ta. Việc hành động nhanh chóng và quyết đoán vẫn có thể thay đổi hướng phát triển của khí hậu trong tương lai", Carlo Buontempo, giám đốc C3S, chia sẻ.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.