.
CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC NĂM HỌC 2024 - 2025:

Ươm mầm nghiên cứu khoa học cho học sinh

Cập nhật: 10:51, 17/01/2025 (GMT+7)

Bước sang năm thứ 12, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025 (gọi tắt là Cuộc thi) do ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tổ chức đã tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Kết quả Cuộc thi, Ban Tổ chức đã xét trao 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 18 giải Khuyến khích cho các sản phẩm đoạt giải.

NHIỀU Ý TƯỞNG HAY

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, toàn ngành đang tập trung thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở tất cả các cấp học phổ thông. Mục tiêu của chương trình mới là phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã được các cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai trong suốt nhiều năm qua. Qua mỗi năm, quy mô, tính chất Cuộc thi ngày càng lan tỏa hiệu ứng tích cực, thu hút nhiều đơn vị tham gia.

Năm 2025 là năm thứ 12 ngành GD-ĐT tỉnh tổ chức Cuộc thi. Tham dự Cuộc thi năm nay có 86 sản phẩm đến từ 28 trường THPT và 9 Phòng GD-ĐT ở 13 lĩnh vực; trong đó nhiều nhất là lĩnh vực hệ thống nhúng (28 sản phẩm), kế đến là các lĩnh vực  cơ khí, kỹ thuật môi trường…

“Năm nay, theo đánh giá của Ban Giám khảo, các sản phẩm dự thi mang tính thực tiễn, sáng tạo cao, gần gũi với đời sống thường ngày. Nhiều dự án đã ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm”, đồng chí Nguyễn Phương Toàn đánh giá về Cuộc thi.

Các sản phẩm, dự án tham gia dự thi tại Cuộc thi.
Các sản phẩm, dự án tham gia dự thi tại Cuộc thi.

“Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ung thư vú, tầm soát bệnh glaucoma mắt và nhận dạng bất thường tế bào máu” của hai em Đặng Tuấn Kha và Mai Huỳnh Chấn Hưng (học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang) là một trong các dự án được Ban Tổ chức đánh giá cao và được xếp hạng Nhất tại Cuộc thi.

Em Đặng Tuấn Kha cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới và hiện đang được ứng dụng rộng rãi hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Hy vọng rằng, hướng đi mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ngành Y học có những giải pháp kịp thời để chẩn đoán một số bệnh hiện nay trên người để có phương pháp điều trị sao cho phù hợp”.

TIẾP TỤC LAN TỎA

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc tổ chức Cuộc thi là việc làm thường niên của ngành GD-DT trong mỗi năm học. Có 2 mục đích chính mà Cuộc thi hướng đến là khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.

Từ Cuộc thi đã thúc đẩy thay đổi hoạt động dạy và học theo hướng thực tiễn, thúc đẩy dạy học tích hợp, thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá.

Cùng với đó, thông qua Cuộc thi nhằm thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dạy học trong các trường THPT, góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT năm 2018.

Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức cho thấy, Cuộc thi vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Số lượng đơn vị tham gia còn hạn chế, một số sản phẩm chưa thực sự đầu tư công phu… Để Cuộc thi thật sự có ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành GD-ĐT của tỉnh, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT và các đơn vị phòng GD-ĐT cần khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và giáo viên đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.

Đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn. Giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.

Cùng với đó, các đơn vị giáo dục tiếp tục đồng hành cùng học sinh trong tư vấn, hỗ trợ, chỉ đạo, khích lệ các em hăng say nghiên cứu khoa học và hoàn thiện hơn dự án của mình cũng như phát hiện, định hướng để các em có nhiều đề tài ý nghĩa, thiết thực trong cuộc sống. Ngoài ra, các trường cần phát triển câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học…

ĐỖ PHI

 

.
.
.