Đề án 06-VNeID phát triển nhiều tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp
VNeID mang lại 5 đột phá gắn với 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, mang lại giá trị thực tế bằng các con số cụ thể cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Cán bộ công an hướng dẫn người dân thao tác xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN) |
Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng, hợp phần quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
Triển khai Đề án 06, trong đó ứng dụng mạnh mẽ các tiện ích trên VNeID, trong năm 2024, Bộ Công an đã triển khai 47 nhiệm vụ trọng tâm gắn với Đề án ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào phát triển tiện ích phục vụ người dân, trong đó khái quát thành 4 đợt cao điểm, 5 đột phá, ấn tượng.
VNeID đã mang lại 5 đột phá gắn với 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, mang lại các giá trị thực tế bằng các con số cụ thể cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước: đột phá về thủ tục hành chính, dịch vụ công; đột phá về công dân số; đột phá về phát triển kinh tế xã hội.
Thông qua VNeID mang lại các dữ liệu làm giàu đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Đến nay đã tích hợp 18 tiện ích lên VNeID: Cấp phiếu lý lịch tư pháp, các dịch vụ công cư trú, tích hợp hợp đồng điện nước đăng ký xe toàn trình, số sức khỏe điện tử.
Phục vụ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ
“Đề án 06 đã mang lại những giá trị tổng thể trên cả 3 phương diện phục vụ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ” - Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết.
Cụ thể, hiện 50/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Người dân đến đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Trong số đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại), điển hình như thông báo lưu trú (99,98%), cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (86,97%), thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (90,6%).
Người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương. Đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, đưa vào cắt giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú, người dân tại Bình Dương, Đồng Nai không phải đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp; không phải công chứng thẻ căn cước trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; không phải đính kèm giấy tờ chứng minh nhân thân, tình trạng hôn nhân để giải quyết thủ tục liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất.
Người dân đã được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng (100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân. 87,9 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật.
Hơn 79,8 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 58,3 triệu tài khoản), thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ. Người dân được hưởng nhiều tiện lợi. Đây là nền tảng để thực hiện các tiện ích công dân số trong thời gian tới.
“Điển hình như: đã có 63.483 người dân được cấp Phiếu lý lịch Tư pháp trên VNeID đơn giản, nhanh chóng; không còn tái diễn tình cảnh xếp hàng chờ đến lượt tại trụ sở Sở Tư pháp” - đại diện C06 cho biết.
Từ Đề án 06 và VNeID, đã tích hợp 15,6 triệu thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám, giảm thời gian thăm khám, điều trị.
Bác sỹ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, đơn thuốc, tiền sử người bệnh trong các lần thăm khám trước đó. Việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử dự kiến tiết kiệm trên 83 tỷ đồng/năm và các chi phí phát sinh khác như xét nghiệm, thời gian. Đã có 2,5 triệu người dân được nhận chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản với số tiền trên 19,2 nghìn tỷ đồng đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, không còn mất thời gian đến các điểm giao dịch hoặc trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã để được nhận chế độ, giảm thời gian đi lại (khoảng 51 tỷ đồng/năm) đồng thời hoàn toàn giảm bớt thời gian thực hiện chi trả của công chức trên địa bàn (thường mỗi tháng, Ủy ban Nhân dân cấp xã phải cử 1 công chức thực hiện việc chi trả trong tối thiểu 1 ngày - giảm khoảng 1,3 tỷ đồng/năm), đảm bảo công khai, minh bạch và chống các vấn nạn tiêu cực trong công tác chi trả.
Đồng thời, Bộ Công an đã tạo lập kênh chi trả an sinh xã hội trên VNeID, triển khai huy động ủng hộ đồng bào bị bão lụt với số tiền 158,6 tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp đã được tiếp cận, xác thực dữ liệu đảm bảo chính xác, như có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip và qua VNeID; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy 30 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán; cung cấp giải pháp triển khai ứng dụng VNeID để mở tài khoản tiết kiệm, xác thực giao dịch thanh toán và đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng tại 21 tổ chức tín dụng, giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ và cho vay tín chấp, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân.
Người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay tín dụng đen.Ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch hơn 110,2 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) trên tổng số 127 triệu thuê bao, thu về ngân sách Nhà nước hơn 164,4 tỷ đồng, góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đăng ký thực hiện các dịch vụ công.
Việc này cũng loại bỏ dần tình trạng "sim rác," tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống. Đẩy mạnh xác thực thông tin dữ liệu về thuế, doanh nghiệp.
Các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định với số tiền 2.917,9 tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực an sinh, bảo hiểm, y tế, tài chính, ngân hàng.
Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội. Ứng dụng dữ liệu dân cư trong phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm
Theo đại diện C06, để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; xác lập cơ chế chỉ huy, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở; vai trò chủ động, tích cực tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cả về nhận thức và các điểm nghẽn.
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn người bệnh tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục theo dõi, duy trì kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các hệ thống Cơ sở sữ liệu đã được phê duyệt; đồng thời hướng dẫn các đơn vị kết nối theo quy định của pháp luật kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương và đảm bảo các điều kiện và an ninh an toàn thông tin. Phối hợp với các Bộ, ngành số hóa dữ liệu chuyên ngành, đồng thời hướng dẫn đồng bộ thông tin của các Bộ, ngành theo quy định của Luật Căn cước, Nghị định 70/2024/NĐ- CP của Chính phủ. Tăng cường tích hợp các tiện ích và cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên VNeID phục vụ nhân dân.
Trong số đó, Bộ Công an tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ mà Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP giao như số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai; rà soát thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa theo hướng có dữ liệu đến đâu sử dụng ngay đến đó; triển khai các dịch vụ công liên thông, sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Căn cứ 19 mô hình điểm đã triển khai thành công tại thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng sẽ lựa chọn những mô hình phù hợp với đặc thù của địa bàn để triển khai, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Triển khai Đề án Chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện của Bắc Ninh-Bạch Mai, Bình Dương, Chợ Rẫy tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp./.
Theo Vietnam+ (TTXVN)