Thứ Sáu, 03/01/2025, 18:46 (GMT+7)
.

Lần đầu tiên trên thế giới vệ tinh kết nối trực tiếp 5G

Vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp kết nối 5G thành công, giúp thiết lập liên lạc không gian dễ dàng và mở ra nhiều ứng dụng.

Sự kết nối trực tiếp đầu tiên của vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) với mạng 5G mở ra nhiều khả năng thú vị cho tương lai. Ảnh: ESA
Sự kết nối trực tiếp đầu tiên của vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) với mạng 5G mở ra nhiều khả năng thú vị cho tương lai. Ảnh: ESA

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và công ty vệ tinh Canada Telesat kết nối thành công một vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) với mặt đất bằng công nghệ Mạng phi mặt đất (NTN) 5G, IFL Science hôm 27/12 đưa tin.

Đây là lần đầu tiên trên thế giới điều này diễn ra, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới việc thiết lập liên lạc không gian dễ dàng, có thể cách mạng hóa hoạt động ứng phó với tình huống khẩn cấp, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nông thôn và hỗ trợ hoạt động công nghiệp trên toàn thế giới, ngay cả ở những khu vực xa xôi.

Đầu năm nay, ESA và Telesat đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) cho phép ESA truy cập vào vệ tinh LEO 3 mà Telesat vận hành. Vệ tinh này đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm các ứng dụng khách hàng độ trễ thấp, phát triển ăng-ten và một số công nghệ khác.

Trong thí nghiệm mới, nhóm chuyên gia sử dụng công nghệ 5G của Amarisoft và kết nối thành công với vệ tinh khi nó di chuyển qua bầu trời, từ đường chân trời lên độ cao tối đa 38 độ rồi xuống trở lại. Kết nối vẫn ổn định trong suốt thời gian này. Dù đã có những thí nghiệm khác được thực hiện với vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, đây là lần đầu tiên một vệ tinh LEO di chuyển nhanh (so với người dùng dưới mặt đất) kết nối thành công bằng công nghệ NTN 5G.

"Thí nghiệm đầu tiên trên thế giới này chứng minh sự xuất sắc của ESA trong việc phát triển công nghệ truy cập vệ tinh băng thông rộng", Alberto Ginesi, trưởng bộ phận Kỹ thuật và Hệ thống Viễn thông thuộc Phòng Công nghệ, Kỹ thuật và Chất lượng (TEC) của ESA, giải thích.

Một đổi mới quan trọng trong thí nghiệm là việc sử dụng các tiêu chuẩn mở thay cho công nghệ dạng sóng độc quyền. Các tiêu chuẩn mở được phát triển bởi Dự án Hợp tác Thế hệ thứ ba (3GPP) - tổ chức quốc tế tạo ra những tiêu chuẩn viễn thông. Điều này đồng nghĩa, thiết bị di động có thể kết nối trực tiếp với vệ tinh, giúp giảm chi phí và sự phức tạp gắn liền với cơ sở hạ tầng mặt đất.

Thành tựu mới cũng mở ra khả năng thực hiện phẫu thuật từ xa thông qua các dịch vụ y tế đáng tin cậy, hỗ trợ phương tiện tự hành, cung cấp kết nối cho các đội ứng phó với thảm họa, người sống hoặc làm việc ở những nơi xa xôi, thậm chí cải thiện dịch vụ internet trên chuyến bay.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.