.

Loài kiến đen siêu hấp thụ ánh sáng

Cập nhật: 20:26, 06/01/2025 (GMT+7)

Một loài kiến ở Brazil sở hữu những vệt màu đen đến mức chỉ phản xạ chưa đến 5% ánh sáng truyền tới bề mặt cơ thể chúng.

Kiến lông nhung thực chất là một loài ong không cánh. Ảnh: Fox
Kiến lông nhung thực chất là một loài ong không cánh. Ảnh: Fox

Traumatomutilla bifurca là một loài kiến lông nhung đặc biệt nổi bật với những mảng trắng và đen, phân bố rộng khắp ở Brazil. Dù có tên kiến lông nhung, đây thực chất là ong không cánh sống trên mặt đất. Trong khi nghiên cứu sản sinh màu sắc ở côn trùng, một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Liên bang Triângulo Mineiro ở Uberaba, Minas Gerais, Brazil, phát hiện cuticle, lớp xương ngoài của T. bifurca có cấu trúc gây bất ngờ với sự sắp xếp tiểu cầu chồng đống giống như ở giữa đàn accordion.

Sự xếp chồng bên trong cuticle có thể là chìa khóa tạo ra màu sắc siêu đen. Siêu đen là sắc tố hiếm phản xạ chưa đến 0,5% ánh sáng truyền đến bề mặt của nó, thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia nhằm tạo ra vật liệu tổng hợp để sử dụng trong ngụy trang và năng lượng mặt trời. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy lớp cuticle của kiến lông nhung cái không chỉ hấp thụ ánh sáng khả kiến mà cả ánh sáng cực tím.

Màu sắc siêu đen được ghi nhận ở một vài loài, nhưng tương đối hiếm gặp trong thế giới động vật. Các nhà nghiên cứu so sánh lớp cuticle của T. bifurca với các loài khác có cơ thể siêu đen từng biết và kết luận nó giống nhện công và chim thiên đường nhất. Tuy nhiên, màu sắc của kiến lông nhung có tính phản xạ thấp hơn so với bướm phượng cánh chim chấm liền (Troides helena).

Một vài giả thuyết tìm cách lý giải tại sao những loài vật trên tiến hóa màu sắc siêu đen như vậy. Có thể màu siêu đen được sử dụng trong điều hòa nhiệt hoặc hỗ trợ lẩn trốn động vật ăn thịt, hay làm nổi bật những màu sắc khác mà con vật cần gây ấn tượng với bạn tình. Ở kiến lông nhung, màu sắc siêu đen được cho là dùng để xua đuổi động vật săn mồi, nhưng cũng có tác dụng ngụy trang và bảo vệ trước bức xạ mặt trời.

Kiến lông nhung được biết tới như "loài côn trùng không thể hủy diệt" một phần do sở hữu vết đốt tê tái và bộ xương ngoài cực cứng. Theo tiến sĩ Rhainer Guillermo-Ferreira, cấu trúc của lớp cuticle tạo ra màu sắc siêu đen ở ong cái cũng góp phần vào độ cứng của lớp xương ngoài và khả năng kháng lực tốt. Guillermo-Ferreira và cộng sự công bố phát hiện trên tạp chí Beilstein Journal of Nanotechnology.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.