Mô hình hai cấp - bước đột phá, tạo môi trường sáng tạo cho thế hệ trẻ
Sau hơn 10 năm tổ chức theo mô hình một cấp, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Cuộc thi) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi chuyển sang mô hình hai cấp từ năm 2017. Những đổi mới trong cách thức tổ chức, phương pháp chấm thi và cơ cấu giải thưởng đã góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm dự thi, góp phần khuyến khích, tạo môi trường sáng tạo cho thế hệ trẻ của tỉnh.
Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (gọi tắt Liên hiệp Hội) chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Tỉnh đoàn Tiền Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc tổ chức hằng năm.
HÀNH TRÌNH 10 NĂM “CHUYỂN MÌNH”
Năm 2007, đánh dấu mốc quan trọng khi Liên hiệp Hội chính thức được UBND tỉnh giao trách nhiệm làm cơ quan chủ trì. Sau hơn một thập kỷ tổ chức, cuộc thi đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt khi chuyển từ mô hình một cấp sang hai cấp từ năm 2017.
![]() |
Hội nghị tổng kết Cuộc thi lần thứ XI, lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình hai cấp. |
Giai đoạn 2007 - 2017, Cuộc thi được triển khai theo mô hình một cấp, theo đó, cấp tỉnh đảm nhận toàn bộ trách nhiệm từ việc tham mưu thành lập Ban Tổ chức (BTC), tiếp nhận sản phẩm dự thi, tổ chức chấm giải và trao giải thưởng.
Hằng năm, với vai trò cơ quan chủ trì, Liên hiệp Hội tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập BTC Cuộc thi với thành phần bao gồm: Lãnh đạo Liên hiệp Hội (giữ vai trò Trưởng ban BTC), cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, các trường THPT và một số phòng GD-ĐT cấp huyện.
Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, BTC thành lập Tổ công tác đặt tại Liên hiệp Hội. Tổ này chịu trách nhiệm xây dựng thể lệ, kế hoạch tuyên truyền, triển khai Cuộc thi; đồng thời, tiếp nhận các mô hình, sản phẩm dự thi; đề xuất thành lập Hội đồng giám khảo, tổ chức chấm điểm, tổng kết và trao giải thưởng.
Song song đó, nhằm phục vụ công tác chấm giải hiệu quả, BTC đã quyết định thành lập Tổ giám khảo chấm sơ tuyển với sự tham gia của các chuyên viên Liên hiệp Hội, đại diện Phòng GD-ĐT cấp huyện, Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang cùng một số trường THPT trong tỉnh.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, mô hình một cấp bộc lộ những hạn chế nhất định. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu do thiếu đầu mối trực tiếp ở cấp huyện. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ giám khảo sơ tuyển còn thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá tính mới, tính sáng tạo của sản phẩm dự thi, ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm được chọn để dự thi cấp tỉnh.
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, năm 2017, Liên hiệp Hội đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh chuyển sang mô hình Cuộc thi hai cấp. Tháng 9-2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 4273 chấp thuận chủ trương tổ chức Cuộc thi theo 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện). Đáng chú ý, thành viên BTC Cuộc thi giai đoạn 2017 - 2022 được bổ sung lãnh đạo UBND của 11 huyện, thị, thành phố - điều chưa từng có trong các kỳ tổ chức trước đó.
BTC cấp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, thể lệ và hướng dẫn các địa phương thành lập BTC, triển khai Cuộc thi ở cấp huyện.
Để đảm bảo nguồn kinh phí cho mô hình hai cấp, Liên hiệp Hội đã lập dự toán kinh phí chi tiết, trình các cơ quan chức năng thẩm định, phân bổ theo định mức do Nghị quyết HĐND tỉnh quy định. Tổng kinh phí hằng năm lên đến trên 1 tỷ đồng, được phân bổ từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ. Giá trị giải thưởng cũng được nâng lên đáng kể.
Ở cấp tỉnh, giải Đặc biệt có giá trị lên đến 10 triệu đồng/giải, trong khi ở cấp huyện, giải Nhất trị giá 4 triệu đồng/giải. Đây là mức thưởng khá cao so với các cuộc thi tương tự, tạo động lực mạnh mẽ cho các thí sinh.
Về công tác chấm giải, mô hình hai cấp giúp sàng lọc sản phẩm hiệu quả hơn. Cấp huyện chịu trách nhiệm sơ tuyển, chọn ra những sản phẩm xuất sắc nhất để tham dự cấp tỉnh. Điều này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm thời gian sơ tuyển ở cấp tỉnh.
BTC đặc biệt chú trọng xây dựng quy định chấm điểm khoa học, áp dụng thống nhất cho cả hai cấp. Tiêu chí đánh giá nhấn mạnh vào tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng của sản phẩm. Đặc biệt, việc sử dụng nguyên vật liệu sẵn có hoặc thân thiện với môi trường được khuyến khích thông qua thang điểm cao hơn.
Về nhân sự chấm thi, BTC ưu tiên mời những người có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo, am hiểu đặc thù của Cuộc thi. Phương pháp chấm điểm kết hợp giữa đánh giá hồ sơ thuyết minh, xem xét sản phẩm thực tế và phỏng vấn trực tiếp tác giả, đảm bảo tính toàn diện và công bằng.
NÂNG TẦM GIẢI THƯỞNG, KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO CHO THẾ HỆ TRẺ
Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của mô hình hai cấp là nguồn kinh phí. So với các cuộc thi tương tự, đây là mức thưởng khá hấp dẫn, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích các thí sinh tham gia.
Bên cạnh đó, về công tác chấm giải, mô hình hai cấp đã tạo nên một cơ chế sàng lọc sản phẩm hiệu quả hơn nhiều. Cấp huyện giờ đây đảm nhận trách nhiệm sơ tuyển, chọn lọc những sản phẩm xuất sắc nhất để tiếp tục tham dự ở cấp tỉnh. Cơ chế này không chỉ giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm được gửi lên cấp tỉnh mà còn giúp cấp tỉnh tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức trong khâu sơ tuyển.
Để đảm bảo tính khoa học và công bằng, BTC đã đặc biệt chú trọng xây dựng quy định chấm điểm thống nhất, áp dụng chung cho cả hai cấp. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng với trọng tâm là tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn của sản phẩm. Đặc biệt, BTC còn khuyến khích việc sử dụng nguyên vật liệu sẵn có hoặc thân thiện với môi trường thông qua việc áp dụng thang điểm cao hơn cho các sản phẩm đáp ứng tiêu chí này.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hiền đề xuất: “Các đơn vị trường học nên có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cho giáo viên hướng dẫn và học sinh đạt giải, qua đó tạo động lực tham gia lâu dài. Trong bối cảnh sắp tới có thể thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính các cấp, BTC cấp tỉnh cũng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất hình thức tổ chức phù hợp để tiếp tục phát huy hiệu quả của Cuộc thi”. |
Về nhân sự chấm thi, BTC đã có những tiêu chí chọn lựa kỹ lưỡng. Những người được mời tham gia Hội đồng giám khảo không chỉ cần đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm dày dặn, am hiểu sâu sắc về lĩnh vực sáng tạo và đặc thù của Cuộc thi. Phương pháp chấm cũng được thiết kế toàn diện, kết hợp giữa việc đánh giá hồ sơ thuyết minh, xem xét sản phẩm thực tế và phỏng vấn trực tiếp tác giả, nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng cao nhất.
Tuy nhiên, số lượng mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi cũng như khả năng sáng tạo chưa đồng đều ở các cấp học, bậc học; các đối tượng từ THPT trở lên rất nhiều tiềm năng sáng tạo nhưng lại ít tham dự Cuộc thi.
Đặc biệt, lực lượng thanh thiếu niên ngoài nhà trường gần như ít tham gia Cuộc thi. Một điểm hạn chế khác là mặc dù giá trị giải thưởng cao, nhưng kết quả của Cuộc thi không được cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay đại học. Điều này khiến Cuộc thi kém hấp dẫn hơn so với Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do ngành GD-ĐT tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: “Để Cuộc thi ngày càng phát triển, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải tiếp tục phát huy vai trò của BTC Cuộc thi cấp huyện - nhân tố đã được chứng minh mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí hợp lý cho cấp huyện kết hợp với việc duy trì và nâng cao giá trị giải thưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai; đồng thời, khuyến khích sự tham gia tích cực từ thanh thiếu niên”.
Về định hướng cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hiền kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp Hội trong triển khai Cuộc thi. Đồng thời, các đơn vị cần chỉ đạo các ngành, các trường học trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên tích cực tham gia.
“Đối với Tỉnh đoàn, chúng tôi mong muốn có sự chủ động hơn nữa trong việc vận động thanh thiếu niên ngoài nhà trường tham dự Cuộc thi, từ đó mở rộng đối tượng tham gia, không giới hạn trong phạm vi học đường. Sở GD-ĐT cũng cần có văn bản chỉ đạo cụ thể, nhất là đối với các trường THPT để khắc phục tình trạng tham gia không đều giữa các cấp học”- ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.
Có thể nói, việc chuyển đổi từ mô hình một cấp sang hai cấp đã tạo ra bước đột phá quan trọng cho Cuộc thi. Nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư và có những điều chỉnh phù hợp, Cuộc thi sẽ ngày càng phát triển, thu hút nhiều hơn nữa những sản phẩm sáng tạo chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tiềm năng khoa học công nghệ cho thế hệ trẻ của tỉnh.
TUẤN LÂM - VĂN XĨ