Hướng đi mới cho công tác tư vấn, phản biện
Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Liên hiệp Hội) đã tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện các đề án, dự án quan trọng. Hoạt động này đã cung cấp những luận cứ khoa học, khách quan cho quá trình xây dựng và triển khai chính sách địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục để phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức trong công tác này.
NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, Liên hiệp Hội đã tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) ở trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) các đề án, dự án, quy hoạch quan trọng của tỉnh, đạt được kết quả tích cực.
Theo đó, kể từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2639 ngày 16-9-2016 quy định về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội, hoạt động TV, PB của Liên hiệp Hội có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây.
Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ TVPB&GĐXH đã được phê duyệt, Liên hiệp Hội xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí gửi Sở KH&CN, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phân bổ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN để triển khai thực hiện. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hội chủ động trong hoạt động TVPB&GĐXH.
![]() |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam tại các cuộc họp Hội đồng phản biện. |
Về nội dung và mức chi được thực hiện theo Thông tư 11 của Bộ Tài chính, bao gồm chi phí cho công tác chuẩn bị, chi phí cho hoạt động phản biện theo hợp đồng giao việc, tổng kết hoạt động TV, PB cùng một số chi phí khác.
Từ nguồn kinh phí được bố trí, Liên hiệp Hội có thể chủ động mời các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín từ các trung tâm, viện, trường đại học ở trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, đảm bảo tính khả thi của các đề án, dự án khi được triển khai vào thực tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Hội, thực hiện Quyết định 2639 của UBND tỉnh, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội có sự chủ động hơn. Do được bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm nên khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ về TVPB&GĐXH, Liên hiệp Hội chủ động lên kế hoạch và tiến hành các bước theo quy định.
Nhờ đó, công tác TV, PB của Hội đồng phản biện độc lập được triển khai nhanh hơn, chỉ mất từ 1 - 2 tuần là hoàn thành báo cáo so với trước đây phải mất thời gian làm thủ tục đề nghị cấp kinh phí. Điều này giúp đảm bảo tiến độ do cơ quan thẩm quyền hoặc chủ đầu tư đề ra.
Giai đoạn 2016 - 2021, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, Liên hiệp Hội đã thành lập Hội đồng phản biện độc lập cho 16 đề án, dự án, quy hoạch do UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, về hoạt động GĐXH, thời gian qua, Liên hiệp Hội chưa được UBND tỉnh giao hoặc các sở, ngành tỉnh đặt hàng thực hiện nhiệm vụ này.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC
Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Re, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội, để thu hút, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tham gia TVPB&GĐXH các đề án, dự án đạt hiệu quả, làm cơ sở cho việc thẩm định tính khả thi của các đề án, dự án khi được triển khai trong thực tế, Liên hiệp Hội cần triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phối hợp với các sở, ngành tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách các chuyên gia, nhà khoa học theo nhóm chuyên ngành để mời tham gia hoạt động TVPB&GĐXH. Các chuyên gia, nhà khoa học được mời tham gia cần có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm phù hợp với nội dung đề án, dự án; đồng thời có các công trình khoa học, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực cần TVPB&GĐXH.
Liên hiệp Hội cũng cần chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những bất cập, vấn đề phát sinh trong thực tế.
![]() |
Tiến sĩ Cao Nguyên Thi, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang tại các cuộc họp Hội đồng phản biện. |
Thứ hai, cần khai thác tối đa tiềm năng của các hội thành viên và đơn vị liên kết đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Phát huy thế mạnh, năng lực chuyên môn của các chuyên gia tại các hội chuyên ngành, các đơn vị liên kết như: Trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp là thành viên của Liên hiệp Hội.
Ngoài việc tham gia Hội đồng tư vấn, phản biện độc lập, Liên hiệp Hội cần khai thác lợi thế đa dạng về chuyên môn của các thành viên để tham gia các Hội đồng chuyên môn của tỉnh, đóng góp ý kiến đối với các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cần chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức các diễn đàn khoa học chuyên nghiệp gắn với hoạt động của Câu lạc bộ Trí thức tỉnh để tạo kênh thông tin hữu hiệu cho việc tập hợp đội ngũ trí thức. Việc phát huy vai trò của Câu lạc bộ Trí thức tỉnh sẽ tạo một diễn đàn mở trong tập hợp đội ngũ trí thức theo chuyên ngành để tham vấn chính sách và thực hiện các nhiệm vụ chiến lược khác do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.
Kỹ sư Nguyễn Văn Re đề xuất, đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định hay quyết định thay thế Quyết định 14 ngày 14-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam theo hướng quy định loại hình, quy mô đề án, dự án, quy hoạch cần phải có ý kiến TVPB&GĐXH của cơ quan Liên hiệp Hội trước khi trình thẩm định phê duyệt; đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể hơn nội dung của nhiệm vụ GĐXH để các tỉnh, thành có cơ sở triển khai thực hiện.
VĂN XĨ - TUẤN LÂM