Sáng tạo cùng mô hình ngôi nhà thông minh
Tích hợp 5 công nghệ cảm biến tiên tiến vào một mô hình nhỏ gọn, sáng tạo khoa học với tên gọi “Một số hệ thống an toàn trên nhà ở” của em Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THCS Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, không chỉ phát hiện sớm các nguy cơ từ cháy nổ, động đất, lũ lụt đến trộm cắp, mà còn có khả năng ứng phó tự động. Đây là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ bảo vệ không gian sống, mang đến giải pháp an toàn bền vững và hiệu quả cho mọi gia đình.
Tính mới của mô hình nằm ở việc tích hợp đồng bộ các công nghệ tiên tiến vào trong không gian sống để tạo ra một hệ thống bảo vệ toàn diện. Mặc dù các công nghệ cảm biến và cảnh báo đã được sử dụng trong các lĩnh vực khác, nhưng việc áp dụng chúng trong hệ thống an toàn trên nhà ở để tự động phát hiện và phản ứng với các tình huống khẩn cấp là một bước đột phá.
Mô hình này kết hợp nhiều loại cảm biến, như cảm biến độ ẩm đất để phát hiện lũ lụt, cảm biến chuyển động để phát hiện trộm, cảm biến rung đất để cảnh báo sạt lở, hệ thống giám sát khói để phát hiện cháy nổ. Hệ thống này không chỉ phản ứng nhanh chóng trong các tình huống nguy hiểm, mà còn cung cấp một giải pháp bền vững và hiệu quả trong việc phòng ngừa thiên tai và bảo vệ cộng đồng.
![]() |
“Em luôn mong muốn tạo ra một hệ thống bảo vệ toàn diện giúp gia đình và cộng đồng chủ động ứng phó với các mối nguy hiểm từ thiên tai và con người. Mô hình này là kết quả của việc em nhận thấy nhiều hộ gia đình chưa có giải pháp an toàn hiệu quả trước các tình huống khẩn cấp”- Gia Bảo chia sẻ.
Về nguyên lý hoạt động, hệ thống bao gồm 5 chức năng chính: Báo cháy hút khói, cảnh báo động đất, cảnh báo lũ lụt, cảnh báo trộm và hệ thống cứu hỏa điều khiển thông minh. Hệ thống báo cháy hoạt động dựa trên cảm biến phát hiện lửa và khói, tự động kích hoạt chuông báo động.
Cảnh báo động đất sử dụng cảm biến rung, khi phát hiện chuyển động của mặt đất sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo. Hệ thống cảnh báo lũ lụt dùng cảm biến độ ẩm, phát hiện nước dâng cao và kích hoạt đèn led cùng chuông báo.
Cảnh báo trộm sử dụng cảm biến chuyển động, khi phát hiện đột nhập sẽ kích hoạt báo động. Đặc biệt, hệ thống cứu hỏa thông minh truyền sóng vô tuyến giữa bộ phận phát và thu, có thể điều khiển máy bơm nước từ xa để dập tắt đám cháy kịp thời.
Theo Ban Tổ chức cuộc thi, mô hình của em Nguyễn Gia Bảo thể hiện giá trị thực tiễn cao, có thể ứng dụng rộng rãi trong các hộ gia đình, đặc biệt là những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Hệ thống này không chỉ giúp cảnh báo sớm mà còn có thể can thiệp kịp thời trong các tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Đồng thời, điểm đặc biệt của mô hình là tính tích hợp cao và khả năng mở rộng linh hoạt. Mỗi hộ gia đình có thể tùy chỉnh hệ thống theo nhu cầu riêng, từ đơn giản đến phức tạp. Chi phí thực hiện hợp lý cùng với hiệu quả mang lại được xem là một giải pháp khả thi để triển khai rộng rãi trong cộng đồng.
Với sự kết hợp giữa kiến thức điện tử và tư duy giải quyết vấn đề thực tiễn, mô hình này không chỉ thể hiện tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống mà còn minh chứng cho việc khoa học - kỹ thuật có thể được ứng dụng hiệu quả để xây dựng một xã hội an toàn và bền vững hơn.
VIỆT LONG - T.L