Tại sao gà trống gáy vào buổi sáng?
Gà trống có thứ hạng cao nhất đàn được quyền gáy đầu tiên để thể hiện vị thế và không cần phụ thuộc vào ánh sáng Mặt Trời.
![]() |
Tiếng gáy sáng sớm của gà trống giúp chúng khẳng định vị thế trong đàn. Ảnh: IFL Science |
Tiếng gà trống gáy lúc bình minh thường được coi như chiếc đồng hồ báo thức tự nhiên. Nhưng thực tế, gà trống không đơn thuần thực hiện "nghi thức" này vì trách nhiệm hay truyền thống. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, chúng cất tiếng lúc bình minh để khẳng định sự thống trị và vị thế xã hội của mình với những con gà khác.
Gà sống theo bầy đàn với hệ thống thứ bậc nghiêm ngặt. Nhiều hành vi của chúng, từ việc được ăn trước, giao phối đến chiếm lãnh thổ, đều phụ thuộc vào vị trí mà chúng vất vả giành được trong cấu trúc xã hội. Hiểu rõ thứ bậc là điều thiết yếu để chúng duy trì sự hòa hợp trong đàn.
Với gà trống, vị thế thống trị được thiết lập bằng sự hung hăng và một số dấu hiệu nhất định như kích thước mào trên đầu và khả năng gáy, tất cả đều chịu ảnh hưởng của mức hormone testosterone.
Thời điểm gà trống gáy cũng cung cấp thông tin về thứ bậc xã hội của chúng trong đàn. Gà trống có thứ bậc cao nhất có quyền gáy đầu tiên trong ngày, theo nghiên cứu của Viện Sinh học Cơ bản Quốc gia Nhật Bản năm 2015.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát kỹ một nhóm gồm 4 con gà trống và nhận thấy một quy tắc trong thứ tự gáy mỗi sáng: con có thứ hạng cao nhất luôn cất tiếng trước, sau đó đến con thứ hai, thứ ba và thứ tư. Nếu một con gà trống có thứ hạng thấp hơn hành động không đúng thứ tự, nó có thể bị mổ và truy đuổi một cách hung dữ.
Điều này cho thấy tiếng gáy liên quan chặt chẽ đến việc biểu thị xã hội, thứ bậc và sự thống trị. Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu Mỹ công bố năm 1995 cũng đi đến kết luận tương tự, cho rằng tiếng gà trống gáy có thể đóng vai trò như sự thông báo vị thế.
Tiếng gáy buổi sáng không nhất thiết phụ thuộc vào ánh sáng Mặt Trời. Một nghiên cứu khác của Viện Sinh học Cơ bản Quốc gia Nhật Bản năm 2013 cho thấy, gà trống gáy chủ yếu dựa vào đồng hồ sinh học bên trong thay vì kích thích bên ngoài như ánh sáng Mặt Trời. Ánh sáng Mặt Trời ảnh hưởng đến nhịp sinh học của động vật, bao gồm cả con người, nhưng gà trống vẫn thể hiện thứ bậc gáy ngay cả trong bóng tối hoàn toàn.
Trong trường hợp gà trống đứng đầu vắng mặt, con đứng thứ hai sẽ gáy trước tiên và hành xử như thể nó là kẻ có thứ hạng cao nhất, theo nhóm nhà khoa học Nhật Bản. Điều này cho thấy gà trống đứng đầu có thể quyết định khi nào bắt đầu gáy, dựa trên nhịp sinh học cá nhân của mình. Những con khác chỉ đơn giản tuân theo sự dẫn dắt của nó, hoặc chịu hậu quả nếu cất tiếng sai thứ tự.
"Chúng tôi đã chứng minh rằng gà trống thứ hạng cao nhất có quyền ưu tiên thông báo bình minh dựa trên đồng hồ sinh học, những con gà trống 'cấp dưới' phải điều chỉnh đồng hồ của chúng theo thứ bậc xã hội và chờ đợi tiếng gáy đầu tiên của kẻ đứng đầu mỗi sáng", họ bổ sung.
(Theo vnexpress.net)