TP. Mỹ Tho: Nhiều mô hình hấp dẫn từ cuộc thi sáng tạo
Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng TP. Mỹ Tho lần thứ XVII năm 2024 - 2025 (gọi tắt là Cuộc thi) đã thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo và đột phá từ các thí sinh thuộc mọi lứa tuổi. Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là sự đa dạng trong các mô hình dự thi, từ công nghệ vận tải thông minh đến thiết bị học tập số hiện đại.
Ý TƯỞNG ĐỘT PHÁ TỪ THÍ SINH NHỎ TUỔI
Em Trần Nhã Cát Tiên (sinh năm 2019, phường 9, TP. Mỹ Tho) đã gây ấn tượng với mô hình “Chiếc xe khách thông minh” tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao an toàn giao thông. Mô hình này nổi bật với việc đồng bộ hóa các hệ thống bảo vệ chủ động và bị động chưa từng được ứng dụng trên các dòng xe khách thông thường.
Điểm đột phá đầu tiên là hệ thống bánh xe tự phình to khi va chạm với cơ chế bơm khí nén nhanh, giúp hấp thụ lực va chạm và bảo vệ người bị nạn hiệu quả hơn các hệ thống giảm chấn truyền thống.
Tiếp đến là cảm biến chống ngủ gật cho tài xế được tích hợp AI giám sát hành vi, không chỉ cảnh báo mà còn có khả năng can thiệp chủ động bằng cách rung ghế, thay đổi nhiệt độ cabin hoặc kích hoạt chế độ lái tự động nếu tài xế không phản ứng.
![]() |
Em Cát Tiên cho biết: “Ý tưởng này xuất phát từ thực tế về những rủi ro khi tham gia giao thông như: Tai nạn do va chạm, tài xế buồn ngủ, xe lật khi vào cua gấp hoặc rơi xuống nước. Những tình huống này thường gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản”.
Về nguyên lý hoạt động, mô hình có hệ thống bánh xe tự phình to khi va chạm được trang bị cảm biến ở đầu và thân xe, kích hoạt cơ chế bơm khí nén nhanh khi phát hiện va chạm, tăng diện tích tiếp xúc với mặt đường và hấp thụ lực va chạm.
Hệ thống cảm biến chống ngủ gật sử dụng camera hồng ngoại và cảm biến theo dõi mắt, phát hiện khi tài xế có dấu hiệu mệt mỏi như: Chớp mắt chậm, gục đầu, mất tập trung.
Đặc biệt, hệ thống tự nổi khi xe rơi xuống nước sẽ tự động phát hiện mực nước tăng, kích hoạt các khoang khí, đặc biệt bên trong khung xe và động cơ điện dưới gầm xe để giúp xe nổi và di chuyển trên mặt nước như một chiếc thuyền.
Qua đó, sản phẩm này có thể ứng dụng thực tế trong ngành vận tải hành khách, đặc biệt là trên các tuyến xe đường dài, xe liên tỉnh, xe du lịch, nơi yêu cầu cao về an toàn và tiện ích.
Cuộc thi tiếp tục là sân chơi quan trọng nhằm phát hiện và nuôi dưỡng những ý tưởng đột phá từ thế hệ trẻ. Hai mô hình nổi bật trên cho thấy tiềm năng sáng tạo to lớn của thanh thiếu niên, nhi đồng TP. Mỹ Tho nói riêng và Việt Nam nói chung; đồng thời minh chứng cho sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với các vấn đề thực tiễn từ an toàn giao thông đến đổi mới giáo dục. |
Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá cao tính sáng tạo và ứng dụng thực tiễn của mô hình này. Đặc biệt, việc tích hợp đồng bộ nhiều hệ thống an toàn trên cùng một phương tiện thể hiện tầm nhìn toàn diện về vận tải hành khách trong tương lai.
Mặc dù chỉ mới 6 tuổi, Cát Tiên đã thể hiện sự quan sát tinh tế và tư duy logic đáng kinh ngạc khi đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp với từng tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trên đường. Ban Tổ chức cho rằng, ý tưởng này có tiềm năng phát triển thành các tính năng thực tế trên các dòng xe khách thế hệ mới, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao an toàn đường bộ.
THIẾT BỊ HỌC TẬP SỐ CÁC HÌNH KHỐI - HƯỚNG ĐẾN ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
Em Võ Anh Thư (sinh năm 2010, phường 1, TP. Mỹ Tho) đã mang đến cuộc thi mô hình “Thiết bị học tập số các hình khối trong thực tiễn cấp THCS” - một công cụ giáo dục hiện đại nhằm cách mạng hóa việc dạy và học về hình học không gian.
Theo Anh Thư, sản phẩm hoàn toàn mới không trùng với các sản phẩm trước đây và dễ dàng thao tác đối với các bạn học sinh và giáo viên. Sản phẩm đã được kiểm tra và không xảy ra lỗi. Đồng thời, thiết bị này giúp học sinh “phát hiện được kiến thức một cách tự nhiên và hứng thú chứ không phải nhồi nhét, ép buộc”.
![]() |
Sự sáng tạo của mô hình này nằm ở cách tiếp cận “học sinh như một nhà nghiên cứu khoa học” - tự quan sát, thu thập và xử lý thông tin, tự báo cáo, trình bày và đánh giá lẫn nhau, phát triển đồng thời nhiều năng lực cần thiết.
“Các bạn học sinh như một người nghiên cứu khoa học: Tự quan sát, tự thu thập và xử lí thông tin, tự báo cáo, tự trình bày và tự đánh giá lẫn nhau nên phát triển được nhiều năng lực cần có của người học”- Anh Thư diễn giải thêm.
Anh Thư cho biết, thiết bị hoạt động dựa trên nền tảng phần mềm Toán học The Geometer’s Sketchpad 5.0 cùng với công cụ khuất đã được tải sẵn. Ở trang chủ, người dùng chỉ cần click chuột vào khối hình mà mình muốn tìm hiểu.
Khi đó, trên màn hình sẽ xuất hiện các kiến thức liên quan đến khối hình đó. Người dùng tiếp tục click chuột vào các câu lệnh được sắp xếp phía dưới màn hình để bắt đầu nghiên cứu các kiến thức về hình nón, hoạt động tìm ra công thức tính thể tích hình nón.
Sản phẩm thiết bị học tập số phù hợp phát triển năng lực tự chủ, tự học. Người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi mà không cần sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, sản phẩm phù hợp với yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và nhu cầu cấp thiết của thời đại chuyển đổi số và là nguồn tư liệu có thể sử dụng được cho tất cả các bạn học sinh mà không mất chi phí.
Về tác động xã hội, sản phẩm thành công góp phần tăng cường công tác tuyên truyền phát triển ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng.
Còn về phát triển kinh tế, Anh Thư tin rằng: “Sản phẩm thực hiện thành công góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Giáo dục. Tạo động lực cho các bạn học sinh học tập, phát triển được nhiều năng lực. Từ đó, tạo ra nguồn lao động mới năng động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp hiện đại”.
Ban Tổ chức đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn và tầm nhìn giáo dục của mô hình này. Thiết bị học tập số không chỉ phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, mà còn thúc đẩy phương pháp học tập chủ động, tạo điều kiện cho học sinh phát triển kỹ năng tự học và tư duy sáng tạo.
Ban Tổ chức đặc biệt ấn tượng với cách Anh Thư đã kết hợp hiệu quả công nghệ và nội dung giáo dục để tạo ra một công cụ học tập hiện đại, dễ sử dụng và có giá trị thực tiễn cao. Mô hình này được đánh giá là có khả năng nhân rộng trong hệ thống giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán tại các trường THCS.
TUẤN LÂM - LÊ MINH