Trung Quốc tích hợp AI vào vận hành cảng tự động
Các cảng biển lớn dọc bờ biển Trung Quốc đang đẩy mạnh tích hợp AI và công nghệ tự động giúp tăng cường hiệu suất xử lý và tốc độ bốc dỡ hàng hóa.
![]() |
Bến Nansha ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: VCG |
Tại một bến cảng ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cần cẩu tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dỡ hàng từ tàu, trong khi xe không người lái di chuyển chính xác giữa các vũng tàu đậu. Đây là cuộc cách mạng cảng tự động đang diễn ra ở Trung Quốc. Bến Nansha giai đoạn IV tại Quảng Châu, hoàn thành vào tháng 11-2024, là một trong 52 cảng tự động hoàn toàn của Trung Quốc tính đến cuối năm 2024, theo Bộ Giao thông Vận tải.
52 cảng này trải dài theo bờ biển Trung Quốc, từ vịnh Bột Hải đến đồng bằng sông Dương Tử và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao, tạo thành mạng lưới hàng đầu thế giới về quy mô, hiệu suất và công nghệ. "Trước đây, người điều khiển cần cẩu làm việc trong cabin cao 40 m, cố gắng nhìn thấy những container bên dưới", ông Yang Xuan, người vận hành kỳ cựu tại cảng Quảng Châu cho biết. "Bây giờ, chúng tôi làm việc trong phòng điều khiển thông minh cách tàu hàng trăm mét, với hiệu suất và độ an toàn cao hơn nhiều".
Bến này tích hợp các công nghệ tiên tiến bao gồm hệ thống định vị Bắc Đẩu, liên lạc 5G, lái xe tự động và AI. Xe dẫn đường thông minh tự động tính toán lộ trình tối ưu, trong khi thuật toán thông minh điều phối toàn bộ thiết bị bốc dỡ. Thành tựu này đang thay đổi năng suất. Tại tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, bến tự động của cảng Thanh Đảo lập kỷ lục thế giới thứ 11 về tốc độ bốc dỡ vào tháng 12 năm ngoái, mỗi cần cẩu xử lý trung bình 60,6 container mỗi giờ, hơn gấp đôi so với các bến truyền thống (khoảng 25 - 28 container mỗi giờ).
Hợp tác giữa các cảng tự động đã cải thiện đáng kể hiệu quả vận chuyển. Tuyến vận chuyển "FAST" giữa Thượng Hải và Quảng Châu giúp giảm 65% chi phí chở hàng so với vận tải đường bộ. Sự phát triển nhanh chóng của công cuộc tự động hóa cảng biển ở Trung Quốc dựa vào các hệ thống phát triển nội địa. Theo một báo cáo về các bến container tự động toàn cầu năm 2024, hệ thống vận hành bến của Trung Quốc đã hoàn thiện từ năm 1997 khi phiên bản đầu tiên trong nước được giới thiệu.
Hệ thống n-TOS của cảng Ninh Ba - Chu Sơn tối ưu hóa hoạt động qua việc lên kế hoạch bãi thông minh và xếp hàng tự động, trong khi hệ thống iTOS của Cảng Thượng Hải tinh giản hoạt động tàu thuyền. Những cải tiến này cho phép các cảng lớn hoàn thành nâng cấp tự động hóa toàn diện. Nhiều cảng trên khắp Trung Quốc cũng ngày càng tích hợp giải pháp AI. Vào tháng 3 năm nay, công ty Sinotrans South China Co., Ltd ra mắt trợ lý AI sử dụng mô hình ngôn ngữ của DeepSeek, cho phép khách hàng thực hiện truy vấn về trạng thái giao hàng bằng ngôn ngữ đơn giản.
"Dù hỏi về kế hoạch neo đậu, di chuyển container hay tiến độ bốc hàng, khách hàng đều nhận được phản hồi nhanh chóng và chính xác thông qua các câu lệnh đơn giản", ông Ye Zengjian, kỹ sư hỗ trợ tại công ty cho biết.
(Theo vnexpress.net)