Làm gì để chủ động bảo vệ cây sầu riêng trong mùa khô 2021 - 2022
(ABO) Những năm qua, hạn, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, diện tích cây ăn quả bị thiệt hại do hạn, mặn chỉ tính ở 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đến tháng 7-2020 hơn 16.400 ha. Trong đó, Tiền Giang có 3.909 ha/ 5.343 ha cây ăn quả bị thiệt hại (hơn 70%).
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nông dân chưa bắt tay vào việc khôi phục vườn sầu riêng trước mùa hạn, mặn 2021 - 2022 để có thể giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất có thể xảy ra, nhất là đối với cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Người dân cần chủ động bảo vệ cây sầu riêng trước ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bùng phát). Ảnh: MINH THÀNH. |
Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình mẫu vườn sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của mô hình là tìm ra mô hình sản xuất cây sầu riêng trong vùng bền vững. Theo mô hình, người dân nên thực hiện các biện pháp sau đây để chủ động trong chăm sóc cây sầu riêng trước ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn.
Trước thời điểm hạn, xâm nhập mặn
Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nhu cầu nước cho cây sầu riêng ở mật độ 200 cây/ha cần tối thiểu 320 m3 nước ngọt/tháng. Thực trạng hiện nay nguồn nước trữ ở các vườn sầu riêng trong ao và kinh, rạch chỉ đáp ứng cho vườn sầu riêng 30 ngày. Do đó, nông dân cần chuẩn bị ao trữ 1.000 m3 nước phục vụ cho 1 ha vườn sầu riêng với kế hoạch phân phối nguồn nước hợp lý và kiểm soát ẩm độ đất.
Cùng với đó, vườn cây sầu riêng phải thu hoạch dứt điểm trái từ tháng 10 đến tháng 11, giúp cây có thể hoàn thiện một cơi đọt vào tháng 12. Nông dân cần vệ sinh vườn cây, xử lý bệnh thối rễ và đảm bảo độ pH đất là 5,5. Đồng thời, nông dân tiến hành cải tạo đất bón hữu cơ, axít mùn và phục hồi bộ rễ bằng cách sử dụng chế phẩm Rootwell với 20 ml/20 lít nước/cây (hoặc sử dụng phân cá ủ); RVAC Fofer - PT, cộng với nấm cộng sinh Mycorrhiza (100 g Rhizomyx/5 lít nước/cây) hoặc nấm đối kháng Trichoderma sp, Stretomyces sp xạ khuẩn phân giải xenlulo, Bacillus sp vi khuẩn ức chế các vi sinh vật có hại, vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lên men lactic, nấm men, nấm sợi… để hạn chế rụng lá non vào mùa mưa sau khi hạn mặn kết thúc.
Việc chăm sóc cây cũng cần được chú trọng bằng các biện pháp như cắt tỉa bớt cành lá, không tạo đọt non, không xử lý ra hoa, tỉa bỏ hoa trái. Bên cạnh đó, vườn cây cần được che phủ đất, giữ cỏ vườn để giảm bốc hơi nước.
Trong thời điểm hạn, xâm nhập mặn
Trong cung cấp phân bón cho cây, người dân nên tưới phân dễ tan như đạm, lân kali và lân (qua hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun qua lá); đồng thời, phun hỗ trợ các chế phẩm phân bón lá có các hợp chất chứa Molybden, Bo, kẽm, Silic, đồng giúp duy trì các quá trình tổng hợp protein cao trong điều kiện khô hạn, giúp ích cho sự tổng hợp, chuyển hóa và vận chuyển đường từ lá về cơ quan dự trữ giúp nâng cao tính chịu hạn và chịu nóng của cây.
Trong cung cấp nước cho cây, nông dân nên áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới rãnh, giúp tăng hiệu quả sử dụng nước của cây. Nông dân cũng có thể áp dụng biện pháp tưới ẩm từng phần, cố định hay xen kẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nước cho cây trong điều kiện khô hạn. Nông dân cần phải chú ý không để mương vườn sầu riêng khô nước (mực nước cao 20 - 30 cm); làm giảm bốc hơi nước bằng biện pháp che phủ đất và thăm vườn thường xuyên để kịp thời phòng và trị sâu bệnh.
Tiến sĩ LÊ QUỐC ĐIỀN
(Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Viện Cây ăn quả miền Nam)