Mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long nếu nước biển dâng 1 mét
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố nước biển dâng cao một mét, gần 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngập trong nước, sẽ là kịch bản biến đổi khí hậu ước đoán cho cuối thế kỷ này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất. Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng dựa trên ước tính về phát thải khí nhà kính toàn cầu, gồm các kịch bản ở mức thấp, trung bình và cao.
Nước biển xâm thực rừng phòng hộ ở đê biển Gò Công. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Theo kịch bản phát thải cao, thì cuối thế kỷ 21, toàn dải ven biển Việt Nam có nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều nhất, đến 105 cm.
Tiến sĩ Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, theo tính toán, nếu mực nước biển dâng như trên, sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL bị ngập; 35% dân số bị ảnh hưởng.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh, có 20 % diện tích sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước biển dâng.
Về nhiệt độ, đến năm 2100, Việt Nam có nhiệt độ trung bình tăng từ 1,6 đến 3,7 độ C.
Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên sẽ gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố hoặc nắng nóng dẫn đến ngập lụt, hạn hán.
Nước biển dâng cao sẽ xâm nhập mặn vào các vùng đồng bằng ven biển, ảnh hưởng đến nông ngư nghiệp - sinh kế của nhiều triệu người.
ĐĂNG NGỌC