Thứ Hai, 30/07/2012, 11:20 (GMT+7)
.

Vệ tinh F-1 Việt Nam đã tiếp cận Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS)

Tàu vận tải mang F-1, vệ tinh nhỏ tự chế tạo của Việt Nam, đã lắp ghép thành công với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) tối ngày 27-7, sau một tuần bay trong không gian.

Cánh tay robot nắm lấy tàu vận tải HTV-3 và đưa lại lắp ghép với trạm ISS. Ảnh chụp từ màn hình của NASA.
Cánh tay robot nắm lấy tàu vận tải HTV-3 và đưa lại lắp ghép với trạm ISS. Ảnh chụp từ màn hình của NASA.

Sau 6 ngày phóng lên quỹ đạo, 21giờ40 ngày 27-7 giờ Hà Nội, tàu vận tải HTV-3 đã tiếp cận ISS. Khi tàu vận tải ở khoảng cách 10 m so với trạm, quá trình lắp ghép bắt đầu diễn ra. 19giờ20, cánh tay robot của trạm tóm lấy tàu vận tải.

Sau khi tàu vận tải kết nối, F-1 sẽ được chuyển ra khoang điều áp của một mô-đun trên trạm. Vào tháng 9, phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide điều khiển cánh tay robot, nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài, hướng xuống phía mặt đất và thả.
 
Kể từ đó, vệ tinh "made in Vietnam" sẽ bắt đầu hoạt động. Từ trạm điều khiển mặt đất đặt tại Hà Nội, nhóm FSpace sẽ theo dõi F-1, đưa ra các lệnh như chụp ảnh hoặc thu thập dữ liệu.

Ảnh chụp từ màn hình của NASA.
Tàu vận tải lắp ghép thành công ISS. Ảnh chụp từ màn hình của NASA.

Vệ tinh F-1 được tàu vận tải đưa vào không gian hôm 21-7 từ trung tâm phóng vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Vệ tinh do Phòng nghiên cứu không gian (Fspace) thuộc Đại học FPT chế tạo từ năm 2008.

F-1 đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm khắt khe của JAXA và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để chứng minh đủ tiêu chuẩn lên không trung.

Mục tiêu của dự án F-1 là vệ tinh sống được trong không gian, phát tín hiệu về trạm điểu khiển của Fspace, chụp được ảnh độ phân giải thấp và truyền dữ liệu về với tốc độ 1.200 bit/giây.

F-1 mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ, huy hiệu kỷ niệm của một số tổ chức đã giúp đỡ thực hiện dự án và thẻ nhớ chứa tên, lời nhắn của 7.529 người cùng với những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và một số bài hát tiếng Việt.
 
Với việc phóng F-1, trong tương lai Việt Nam có thể làm chủ công nghệ vũ trụ và hướng tới ứng dụng trong thực tế như giám sát tàu thuyền trên Biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác.

Đ.NGỌC

(Tổng hợp)
 

.
.
.