Thứ Ba, 28/08/2012, 05:53 (GMT+7)
.

Nhà khoa học giúp dân canh tác mãng cầu xiêm

Huyện Tân Phú Đông hiện có 400 ha mãng cầu xiêm, trong đó xã Tân Phú có 300 ha, diện tích còn lại ở hai xã Tân Thạnh và Tân Thới. Nhiều diện tích mãng cầu đang cho trái ổn định, năng suất bình quân từ 18 - 20 tấn/ha, thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiện nay huyện có 44 ha mãng cầu xiêm của 89 hộ trồng bị bệnh thối rễ, chết cành.

Ảnh: TTXVN
Với cây mãng cầu xiêm, việc sử dụng phân bón hợp lý, bồi bùn, thoát nước tốt là cần thiết.

Trước tình hình đó, ngày 24-8, tại hội trường UBND xã Tân Phú, Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và ngành Nông nghiệp huyện tổ chức hội thảo chuyên đề “Thống nhất quy trình sản xuất giữa nông dân và nhà khoa học đối với cây mãng cầu xiêm”.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận: Nguyên nhân dẫn đến bệnh thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu xiêm chủ yếu là do bà con lạm dụng quá nhiều phân hóa học trong quá trình sản xuất, đa số nhà vườn không sử dụng vôi và vi sinh vật đối kháng, đã tạo điều kiện cho các loại nấm phát triển và gây bệnh…

Qua đó, các nhà khoa học đã hướng dẫn bà con một số biện pháp quản lý và phòng, chống bệnh thối rễ, chết cành như: trồng với khoảng cách thích hợp và tỉa cành, tạo tán thông thoáng cho vườn cây, sử dụng phân bón hợp lý, vừa phải, bồi bùn, thoát nước tốt.

Việc sử dụng các loại thuốc Funomyl 50WP, Vicarben 50 HP có hiệu quả rất cao trong việc phòng trị các loại nấm gây bệnh thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu xiêm; phun luân phiên các loại thuốc kể trên định kỳ 2 tuần 1 lần vào mùa mưa nhằm làm giảm áp lực nấm gây bệnh trong vườn.

Ngoài ra, để phòng trị bệnh tốt, bà con cần làm giảm sốc cho cây, tạo điều kiện đất thích hợp cho cây phát triển, tránh khai thác triệt để, vì cây mang quá nhiều trái sẽ suy yếu, dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc chấm thuốc ethaphon trực tiếp lên cuống trái để làm chín trái ở nồng độ nguyên chất vì đây là nguyên nhân làm chết nhánh, suy cây…

HỮU DƯ

.
.
.