Việt Nam làm điện hạt nhân khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế
Phối cảnh nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Tại Hội thảo phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân do Bộ Khoa học - Công nghệ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, Việt Nam bước vào chương trình điện hạt nhân trong bối cảnh cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân còn đang ở trình độ phát triển thấp.
Vì vậy, sau khi thông qua chủ trương tiến hành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động như thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về dự án này, giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho điện hạt nhân ở Việt Nam.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều năm qua IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, IAEA đã cung cấp thiết bị, chuyển giao phần mềm tính toán, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở pháp lý, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về hạt nhân...
Bởi vậy, những cuộc hội thảo sẽ là dịp để các nhà quản lý, khoa học, đào tạo... trao đổi những vấn đề liên quan công tác chuẩn bị, xây dựng-phát triển cơ sở hạ tầng..., bảo đảm sự thành công cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chương trình phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Theo IAEA, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia làm 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10-15 năm. Giai đoạn 1 gồm công tác xem xét đến khi có quyết định của Chính phủ cam kết thực hiện chương trình điện hạt nhân. Giai đoạn 2 gồm chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy, nghiên cứu khả thi, mời thầu và khởi công xây dựng. Giai đoạn 3 gồm các hoạt động thực thi và kết thúc khi nhà máy sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại.
Sau sự cố Fukushima (Nhật Bản), nhiều báo cáo của IAEA cũng chỉ ra rằng đà phát triển của điện hạt nhân có thể bị trì hoãn nhưng không thể bị đảo ngược. IAEA sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam để phát triển chương trình điện hạt nhân.
Đ.NGỌC
(Tổng hợp)