Thứ Ba, 25/09/2012, 07:24 (GMT+7)
.

Lần đầu công bố hệ sinh thái của động vật ở hang động

Động Phong Nha (Kẻ Bàng). Ảnh: N.Hữu
Động Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: N.Hữu

Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã công bố công trình nghiên cứu động vật không xương sống trong hang động do Tiến sĩ Phạm Đình Sắc (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam) chủ trì.

Bản công bố khoa học cho biết một khu hệ sinh thái mang tính đặc hữu cao có nhiều loài động vật hiếm với 730 cá thể, bao gồm 58 nhóm loài thuộc bảy lớp, 22 bộ đã được ghi nhận từ 21 hang động.

Qua khảo sát đã ghi nhận: hai loài bọ cạp mới của một giống mới (Vietbocap) đã được công bố; bên cạnh đó, có rất nhiều loài mới đã được ghi nhận tại các hang động khảo sát, tuy nhiên, đến nay chưa được công bố do bị hạn chế về thời gian và số lượng mẫu vật thu được. Các loài này đang bị đe doạ, có nguy cơ biến mất nếu không được bảo tồn.

Một phát hiện rất quan trọng ở Vườn Quốc gia này là có 3 loài thú : Sao La, Mang Lớn và Mang Trường Sơn, trong đó Sao La và Mang Lớn là loài thú mới được phát hiện trên toàn cầu.

Về bò sát và lưỡng cư đã phát hiện 81 loài trong đó có 18 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam và 6 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUVN.

Cũng tại đây đã xác định 259 loài bướm, 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu hẹp chỉ gặp ở Quảng Bình và một loài cá lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam; 302 loài chim, trong đó có 15 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam, 19 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUCN. Đặc biệt loài gà lôi lam mào đen, gà lôi lam đuôi trắng, loài công vừa ở mức độ nguy cấp vừa đe dọa ở mức toàn cầu.

Phong Nha - Kẻ Bàng có ý nghĩa như một bảo tàng sinh vật khổng lồ ở Việt Nam.

Đ.NGỌC

(Tổng hợp)

.
.
.