Lũ tại ĐBSCL khả năng đạt xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2000
Khẩn trương thu hoạch lúa né lũ ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, và dự báo đỉnh lũ cao nhất năm tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10 và có khả năng đạt mức xấp xỉ mùa lũ lịch sử năm 2000.
Đỉnh lũ cao nhất năm trên sông Tiền (tại Tân Châu) có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn mức báo động ba là 0,4m. Trên sông Hậu (tại Châu Đốc) ở mức 4,3m, cao hơn mức báo động ba là 0,3m, sau đó xuống chậm, nhưng còn duy trì trên báo động ba đến giữa tháng 10.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương, đơn vị vùng lũ đề ra kế hoạch phối hợp chặt phòng chống lũ trong trường hợp đỉnh lũ năm nay tương đương trận lũ lịch sử năm 2000.
Trận lũ lịch sử năm 2000 đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng trong vùng với 539 người chết (hơn 300 là trẻ em), 212 người bị thương, 890.000 căn nhà, 13.793 phòng học, 383 cơ sở y tế bị ngập, 9.457 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 62.000 hộ dân phải dời nhà ở, hơn nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp. Những thiệt hại về sản xuất, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái cũng rất lớn. Tổng thiệt hại ước tính trên 4.600 tỷ đồng. |
Mùa lũ năm 2011 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã làm trên 20 người chết đuối, 250.000m đê bao, 55km đường tỉnh lộ, quốc lộ hư hỏng, xuống cấp, 27.000ha lúa, màu bị ngập, trong đó có 10.000ha bị thiệt hại 100%.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra, tám tỉnh vùng lũ tại ĐBSCL gồm An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang và Kiên Giang đang khẩn trương rà soát mức độ an toàn tại các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch, các khu vực có khả năng ngập lụt và đề ra phương án chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.
Các tỉnh huy động lực lượng thu hoạch nhanh các trà lúa thu đông đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại đồng thời lập kế hoạch cho học sinh tại các vùng ngập sâu nghỉ học và tổ chức hàng trăm điểm trông giữ trẻ tập trung;
Kiểm tra các tuyến bờ bao, đê bao, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ các tuyến đê trọng điểm, bảo vệ tính mạng người dân trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ; bố trí lực lượng hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết đảm bảo an toàn.
NGUYỄN HỮU
(Tổng hợp)