Thứ Bảy, 13/10/2012, 18:06 (GMT+7)
.

Biến rơm thành phân bón, tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng

Đề tài nghiên cứu “Chế phẩm vi sinh (Fito-Biomix RR) để xử lý rơm rạ và quy trình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ nhờ sử dụng chế phẩm này ” đã được ứng dụng và Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 956 cho tác giả Lê Văn Tri - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội.

Rơm là nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ.
Rơm là nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ.

Đề tài gồm nhiều dự án nghiên cứu, thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được các chuyên gia nông nghiệp và bà con nông dân đánh giá cao.
 
Quy trình biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ được thực hiện thông qua các bước, rơm rạ tươi sau thu hoạch được chất đống với chiều rộng 2m, cứ mỗi lớp 30cm tưới một lượt dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR, bổ sung thêm NPK và phân chuồng nếu có.

Sau đó, tiến hành ủ rơm rạ bằng cách sử dụng nilon, bạt, tải rách, bùn che đậy kín đảm bảo nhiệt độ ủ từ 45-50 độ C.

Sau 10 đến 15 ngày tiến hành kiểm tra và đảo trộn. Điều này làm cho rơm rạ vụn thêm do tác động cơ học, đảm bảo độ ẩm cũng như nhiệt độ của đống ủ luôn trong mức tối ưu, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra nhanh chóng và triệt để.

Trong quá trình ủ phát hiện chỗ nào chưa đảm bảo độ ẩm thì tưới bổ sung thêm để cho nguyên liệu hoại hoàn toàn. Sau 25 đến 30 ngày rơm rạ phân hủy thành phân ủ hữu cơ.
 
Chất lượng rơm rạ sau 30 ngày ủ với chế phẩm Fito-Biomix RR đã phân hủy, chuyển sang màu nâu, vi khuẩn phát triển tốt, rơm rạ phân hủy được khoảng 80-85%.

Đống ủ rơm rạ được bổ sung men vi sinh vật và dinh dưỡng, sau 30 ngày, hàm lượng cacbon tổng số giảm, hàm lượng đạm, lân hữu hiệu, mật độ các vi sinh vật đều tăng. Sau quá trình ủ, phân hữu cơ từ rơm rạ được sử dụng bón ngay cho vụ kế tiếp hoặc bảo quản để sử dụng cho vụ sau.
 
Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất đi hơn 5,5 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.
 
Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.

Đ.NGỌC

(Tổng hợp)

.
.
.