Chủ Nhật, 14/10/2012, 04:36 (GMT+7)
.

Cày ngâm lũ mang lại nhiều lợi ích

Các huyện phía Tây của tỉnh có trên 50.000 ha đất trồng lúa 3 vụ/năm. Hàng năm, thu hoạch xong vụ 3 cũng là lúc mùa nước lũ đổ về. Dù là lũ lớn hay nhỏ cũng mang lượng phù sa bồi bổ cho đồng ruộng, vì vậy cày ngâm lũ là cách để tăng độ phì.

Lão nông tri điền Đinh Văn Hón ngụ ấp 1 (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) có 2ha đất sản xuất lúa 3 vụ/năm. Với thâm niên hơn 30 năm làm ruộng, ông phân tích: Để giữ vững năng suất, chống chọi với sâu bệnh thì nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ đó đã gây ra nhiều tác động bất lợi đối với tính bền vững của môi trường canh tác lúa như: đất đai dần mất đi sự màu mỡ, dịch hại ngày càng có xu hướng phát triển mạnh, làm cho chi phí sản xuất lúa ngày một tăng cao. Vì vậy, cho đất ngâm lũ là một biện pháp tốt nhất.

Cày, xới trước khi ngâm lũ sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Cày, xới trước khi ngâm lũ sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, vấn đề ngâm lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng là việc làm rất cần thiết để tái tạo lại nguồn dinh dưỡng mà cây lúa đã lấy đi hàng năm.

Theo quy luật tự nhiên, nước lũ từ thượng nguồn và triều cường ở hạ nguồn tràn lên đồng, giúp đào thải những độc chất ra khỏi vùng trồng lúa. Đối với những vùng đất thấp thì đây là yếu tố tự nhiên rất có lợi về mặt môi trường. Nước lũ về sẽ rửa sạch phèn, axit hữu cơ, nông dược tích tụ trong môi trường canh tác lúa.

Còn những diện tích trồng lúa không được ngâm lũ sẽ làm đất mau suy thoái, khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây lúa hạn chế, người trồng lúa muốn tăng năng suất phải tăng lượng phân hóa học rất lớn.

Theo bà Phong, mùa nước nổi hàng năm ở Tiền Giang thường bị tác động bởi 2 yếu tố là lũ và triều cường. Bên cạnh những ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống của người dân thì chế độ thủy văn này cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho những vùng canh tác 3 vụ lúa trong năm. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, các địa phương đã có kế hoạch vệ sinh đồng ruộng, ngâm lũ lấy phù sa cho đồng ruộng.

Hiện nay, các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu chính vụ 2012. Kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2012 - 2013 sẽ tập trung vào khoảng tháng 11 - 2012.

Ngành chức năng cho biết, nếu so với các địa phương khác trong khu vực thì đồng ruộng ở Tiền Giang có nhiều thời gian ngâm lũ hơn do nằm ở cuối nguồn vùng lũ.

Do đó, để khai thác những lợi ích mà mùa nước nổi mang lại, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên tiến hành cày xới sau khi thu hoạch vụ hè thu chính vụ, đưa nước vào đồng ruộng để ngâm lũ, lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cắt đứt cầu nối dịch hại cho vụ lúa tiếp sau. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao.

SĨ NGUYÊN

.
.
.