Kế hoạch hành động phát triển lưu vực sông Mêkông
Ủy ban sông Mêkông Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo "Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong, dựa trên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước."
Hội thảo nhằm góp phần tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo môi trường, đồng thời tạo các cơ sở khoa học kỹ thuật, pháp lý cho hợp tác trong Ủy hội Mêkông, thực hiện tốt Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Sông Mêkông có chiều dài khoảng 4.800km bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia, hình thành nên một châu thổ phì nhiêu, nhưng rất nhạy cảm với tác động ở thượng lưu, trong đó phần lớn là ĐBSCL của Việt Nam và một phần Campuchia, trước khi đổ ra biển Đông.
Lưu vực sông Mêkông có diện tích rộng 795.000km2, là con sông có mức đa dạng sinh học cao thứ 2 thế giới. Ước tính có 60 triệu người sống ở hạ lưu sông này, trong đó Việt Nam có 17 triệu người sống ở ĐBSCL và 3 triệu người ở Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mêkông Việt Nam Nguyễn Thái Lai cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần đầu tiên (ngày 5-5-2010), Thủ tướng Chính phủ của các quốc gia hạ lưu sông Mekong đã tái khẳng định cam kết của các quốc gia tiếp tục hợp tác thúc đẩy phát triển, sử dụng, bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan, để "đáp ứng nhu cầu, giữ cân bằng để hướng tới sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mêkông."
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Xây dựng... đều cho rằng mục tiêu lâu dài của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mêkông dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước là tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại ĐBSCL và Tây Nguyên.
Báo cáo của Ủy ban sông Mêkông Việt Nam cũng đã nêu rõ, trên lãnh thổ Việt Nam có hai tiểu vùng thuộc lưu vực sông Mekong đã được xác định trong Chương trình kế hoạch phát triển lưu vực, đó là tiểu vùng 10V (ĐBSCL) và tiểu vùng 7V (lưu vực sông Se San và Srepok).
Ủy ban sông Mêkông Việt Nam đã đề xuất các lĩnh vực cần quan tâm và dự án ĐBSCL, cũng như các lĩnh vực cần quan tâm và dự án ở Tây Nguyên, nằm trong Kế hoạch hành động quốc gia với những mục tiệu cụ thể khác nhau.
Đ.NGỌC
(Tổng hợp)