Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về cửa sông, bờ biển
Trường Đại học Thủy lợi và Trung tâm nghiên cứu đào tạo quốc tế về xói mòn và bồi lắng (UNESCO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về cửa sông và bờ biển (ICEC) vào ngày 9-10.
Đây là lần đầu tiên ICEC diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của gần 200 giáo sư, chuyên gia quốc tế về lĩnh vực khoa học thủy lợi đến từ 15 nước, trong đó có giảng viên của nhiều trường đại học như Đại học Tohoku (Nhật Bản), Đại học Lund (Thụy Điển), ... Trước đó, ICEC đã được tổ chức thành công vào các năm 2009 tại Sendai, Nhật Bản; năm 2006 tại Quảng Châu và năm 2003 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
ICEC là cơ hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan tới thủy lợi, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học về thủy lợi cho các trường đại học Việt Nam.
ICEC 2012 còn là diễn đàn lớn cho các nhà tài trợ, quản lý, nghiên cứu khoa học, kỹ sư thủy lợi, xây dựng, các nhà khoa học trong và ngoài ngành trao đổi, chia sẻ, cập nhật các thông tin mới nhất về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhằm khai thác hợp lý các tài nguyên, phát triển bền vững vùng cửa sông ven biển.
Sông Tiền, đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phùng Long |
Trong số hơn 100 báo cáo được trình bày tại hội thảo, các chuyên gia, giảng viên của Việt Nam trình bày gần 40 bản báo cáo, xoay quanh các nội dung về thủy động lực học ven biển và cửa sông, thủy lực môi trường, sinh thái, cấu trúc ven biển, quản lý ven biển và cửa sông...
Kết thúc hội thảo khoa học, các đại biểu sẽ thăm quan thực địa các vùng cửa sông ven biển, hệ thống đê biển, hệ thống công trình bảo vệ bờ và hệ thống cảng trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Việt Nam có hơn 2.360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 10 lưu vực sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan tới nguồn nước. Thực tế cho thấy, những năm gần đây bờ và lòng dẫn của các dòng sông bị thay đổi nghiêm trọng, vùng cửa sông, ven biển bị xâm thực, xói lở hoặc bồi lắng, tác động tiêu cực tới sự phát triển của đất nước, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân.
ĐĂNG NGỌC
(Tổng hợp)