Thứ Tư, 14/11/2012, 07:14 (GMT+7)
.

“Giải mã” các nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy” vào ngày 12-11.
 
Một chiếc taxi
Một chiếc taxi "bỗng dưng" bốc cháy. Ảnh: Vietnam+
Trong 6 tháng, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện từ kết cấu xe máy, nhiên liệu đến thực tiễn người sử dụng phương tiện để xác định nguyên nhân gây cháy, nổ đối với ô tô và xe máy.

Theo đó, rất nhiều trường hợp cháy xe là do hệ thống điện phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa từ những nguy cơ như dây dẫn bị hở, đứt do tiếp xúc với vật nóng, chuột cắn, quá tải trong hệ thống như cháy đèn, kẹt bơm xăng, lắp thêm hệ thống bảo vệ, thay thế đèn nguyên bản bằng đèn có công suất lớn hơn…
 
Ngoài ra, hệ thống điện còn phát sinh tia lửa do dây điện có khả năng chịu tải nhỏ gây chập, rơ le phát sinh tia lửa điện trong quá trình làm việc (phụ tùng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém), nứt dây cao áp, lỏng đầu chụp bugi. Nhiệt độ sinh ra trên bộ sạc điện lớn và nếu tản nhiệt không tốt dễ gây chập cháy dây điện, nóng chảy chi tiết bằng nhựa xung quanh.
 
Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến đó là hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ khiến phương tiện bị cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt (nguồn lửa hay tia lửa điện). Việc rò rỉ nhiên liệu xảy ra khi đường ống dẫn nhiên liệu từ bình chứa tới chế hòa khí, vòi phun bị hở; kim ba cạnh trong buồng phao của bộ chế hòa khí bị mòn, đóng không kín làm xăng bị rò rỉ hoặc xe bị nghiêng khiến xăng tràn ra ngoài.
 
Bên cạnh đó, khi hệ thống tản nhiệt làm mát bị hư hỏng dẫn đến nhiệt độ của động cơ và các hệ thống phụ trợ tăng quá cao, làm lão hóa nhanh hoặc nóng chảy, thậm chí cháy các bộ phận bằng nhựa và dây dẫn điện, gây chập điện. Nhiệt độ một số bộ phận tăng quá cao là nguyên nhân có thể gây cháy khi có chất dễ cháy như xăng dầu bám vào.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng đáng chú ý chính là hệ thống xả khí. Kết quả thử nghiệm xe máy trên băng thử trong những điều kiện vận hành thực tế cho thấy nhiệt độ ống xả tăng cao (đạt tới 548 độ C với xe có thiết kế cũ và tới trên 400 độ C với xe có thiết kế mới). Và, khi tiếp xúc với bề mặt chi tiết có nhiệt độ khoảng 500 độ C, các vật liệu như rơm rạ, giấy, nilon, vải, hơi xăng sẽ bắt cháy.

Về nguy cơ gây cháy nổ từ nhiên liệu và phụ gia, nhiên liệu chính ngạch đạt tiêu chuẩn không phải nguyên nhân gây cháy, nổ ôtô, xe máy. Tuy nhiên, những nhiên liệu được pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON đối với xăng (xăng A83, naphtha condensat được pha chế để gian lận thành A92, A95)… có thể gây nhiều ảnh hưởng tới động cơ.
 
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nguy cơ cháy nổ còn có nguyên nhân từ phía người sử dụng phương tiện giao thông chưa đúng cách. Rất nhiều người còn chưa có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ hoặc tự ý thay đổi kết cấu của xe. Ngoài ra, việc thay thế phụ tùng không đúng nguồn gốc, xuất xứ; tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu; thiếu thận trọng khi lái xe tại các khu vực có nhiều rơm, rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ cháy…
 
Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học về nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô và xe máy. Trong đó tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu.

Đ.NGỌC

(Tổng hợp)

.
.
.